Trong số 20 sáng kiến được lựa chọn từ hơn 400 sáng kiến tham dự Chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III (2019-2020) do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp cùng Bộ Khoa học & Công nghệ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, sáng kiến “Đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật” của tác giả Lê Huy Tích - Giám đốc Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) - được trao giải Nhì.
Giải thưởng này nhằm gia tăng cơ hội kết nối giữa các tác giả, nhóm tác giả có sáng kiến được đánh giá cao tới các cá nhân, tổ chức quan tâm, lan tỏa các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng, kết nối và nhân rộng các sáng kiến đóng góp trong toàn dân.
Anh Lê Huy Tích (giữa) nhận giải Nhì Chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ III được trao hôm 26/12/2020 tại Hà Nội.Không đầu hàng số phận
Không may gặp tai nạn giao thông vào năm 2007, anh Lê Huy Tích (sinh năm 1978) đã vĩnh viễn mất đi khả năng đi lại bằng đôi chân của mình do bị liệt cả hai chân. Những tưởng tương lai mù mịt với chàng trai 29 tuổi, nhưng không, việc phải di chuyển bằng xe lăn đã giúp anh tự mày mò và tạo ra thiết bị đầu kéo gắn vào xe lăn, giúp người khuyết tật như anh có thể dễ dàng di chuyển trên mọi địa hình.
Với anh Tích, đôi chân là để di chuyển, khi ngồi xe lăn cũng là di chuyển, đó là lý do đầu kéo xe lăn ra đời. Và doanh nghiệp tư nhân mang tên Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình do anh thành lập ra đời vào năm 2015.
Thiết bị đầu kéo xe lăn do anh chế tạo rất dễ sử dụng, thời gian kết nối và tháo lắp với xe lăn chỉ tính bằng giây, khớp nối có độ ổn định cao. Sản phẩm sử dụng nguồn nhiên liệu là pin Lithium nên thân thiện với môi trường. Với việc được gắn thêm đầu kéo, chiếc xe lăn trở nên dễ dàng di chuyển trên mọi địa hình, kể cả những nơi có nhiều dốc cao, hệ thống đường sá không bằng phẳng. Đặc biệt, sản phẩm lại có giá thành rẻ với mức chênh lệch lớn so với các sản phẩm ngoại nhập.
“Trước đây tôi chấp nhận xe lăn là sự di chuyển của đôi chân, và tôi đã thích nghi với chiếc xe lăn nhưng chỉ sinh hoạt với nó trong phạm vi gia đình. Đã có những trở ngại khi tôi muốn ra ngoài để tự chủ cuộc sống, đó là lý do tôi nghĩ ra sáng kiến đầu kéo xe lăn.”, anh Lê Huy Tích chia sẻ.
Sản phẩm xe lăn với đầu kéo được gắn phía trước chuẩn bị bàn giao cho khách hàng.Sản phẩm này hoạt động rất hữu dụng và linh hoạt bởi các khớp nối giúp kết nối giữa đầu kéo và xe lăn được thiết kế với độ chính xác rất cao. Sản phẩm đầu kéo xe lăn do Công ty TNHH MTV Người khuyết tật Hòa Bình chế tạo hiện tại đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước với số lượng hơn 500 chiếc đã đến tay người có nhu cầu.
Mặc dù vậy, hiện anh Tích đang bán sản phẩm trực tiếp cho người có nhu cầu và chưa tiếp cận được các nguồn tài trợ giúp sản phẩm đến tay người có nhu cầu với mức giá rẻ hơn.
Sản phẩm này hiện đang được bán cho người khuyết tật với giá 13 triệu đồng/chiếc. Trong khi sản phẩm ngoại nhập với kết cấu phức tạp hơn, công suất yếu hơn được bán với giá 19.500.000 đồng/chiếc.
Không chỉ rẻ hơn so với các sản phẩm nhập ngoại, sản phẩm này còn có công suất lớn hơn nên thích ứng với mọi địa hình.
“Do đặc điểm nơi tôi sống là tỉnh Hòa Bình có nhiều đường dốc nên cần phải có đầu kéo công suất lớn. Có những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về nhưng không thể hoạt động được ở những nơi có địa hình dốc như thế này. Hiện nhiều khách hàng ở các tỉnh thành phía Nam đang đặt hàng công ty nhưng chúng tôi chưa thể sản xuất kịp để phục vụ nhu cầu.” anh Lê Huy Tích chia sẻ với PV Infonet.
Một sản phẩm của anh Lê Huy Tích được bàn giao cho khách hàng tại Bình Dương.Mặc dù vậy, mức giá 13 triệu đồng/chiếc dù rẻ hơn các sản phẩm nhập khẩu nhưng vẫn là khá cao đối với người khuyết tật. Đó là lý do anh Tích luôn mong muốn có được nguồn hỗ trợ tạo điều kiện để nhân rộng sáng kiến của mình.
“Khách hàng rất mừng rỡ khi biết đến sản phẩm nhưng khi nghe tôi báo giá thì họ tụt hết cảm xúc. Họ nói rằng đi bán vé số với tăm bông hằng ngày thì lấy đâu ra 13 triệu để mua xe.”
Đầu kéo xe lăn và hơn thế nữa...
Không chỉ dừng lại ở việc giúp cho người khuyết tật có phương tiện đi lại, vị Giám đốc 42 tuổi này còn trăn trở làm sao hỗ trợ người khuyết tật có việc làm, tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt nhất với cuộc sống bằng các sản phẩm mang tính chất thực tế, tạo sinh kế.
Đó là lý do sau sản phẩm đầu kéo xe lăn, năm 2020 anh Lê Huy Tích đưa ra thị trường sản phẩm xe điện 3-4 bánh, hỗ trợ người khuyết tật sử dụng thông qua hệ thống ghế tự động và cốp mở tự động để chở khách. Hành khách sẽ tự lấy đồ qua cốp mở tự động, tương tự như thế với những chiếc xe chở hàng. Tiếp đó là sản phẩm xe điện hỗ trợ người khuyết tật ở mức độ nặng hơn.
Mẫu xe 3 bánh vừa chở người vừa chở hàng.“Người khuyết tật nặng hơn họ chỉ có thể ngồi trên chiếc xe lăn điện hoặc cần người hỗ trợ. Nhưng với chiếc xe hỗ trợ người khuyết tật này có hệ thống sàng nâng, hạ để xe lăn có thể đi vòng quanh và cánh có thể đóng mở. Tôi đã đưa ra mô hình chiếc xe này và hoạt động khá hiệu quả, nhưng do nhu cầu và điều kiện kinh tế cơ sở của tôi, và ngay cả khi thành lập doanh nghiệp từ 2015 đến nay tôi chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ nên rất khó để triển khai.”, anh Tích chia sẻ.
Trong suy nghĩ của anh Tích, người khuyết tật được xếp vào nhóm người yếu thế trong xã hội. Khi người khuyết tật được hỗ trợ về thiết bị, họ vẫn có thể sống và lao động như người bình thường. Cách để kích thích họ tư duy là liên kết họ lại, vì chỉ người trong cuộc mới biết được họ cần gì, khi có được cái họ cần thì họ mới nghĩ được còn có thể làm gì.
Nhận xét về người đàn ông giàu nghị lực Lê Huy Tích, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng anh Tích đã truyền đi một thông điệp truyền đi hết sức mạnh mẽ, “đó là xã hội hãy tin tưởng người khuyết tật, trao cho họ niềm tin, phương tiện, và họ sẽ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Họ có thể làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, trong đó có sản phẩm phục vụ chính họ”.
Trong khi đó, TS Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) - cho rằng về mặt kỹ thuật, việc tháo lắp đầu kéo xe lăn rất đơn giản và nhanh. Việc sử dụng pin Lithium lại rất thân thiện với môi trường và cũng phù hợp với địa hình của Việt Nam.
“Đây đúng là một sáng kiến rất hữu dụng, và tôi đánh giá cao sáng kiến này.”, ông Đinh Hữu Phí nói. Mặc dù vậy, ông Phí cũng cho rằng mức giá bán 13 triệu đồng chưa phải là cao nhưng rõ ràng chưa phù hợp với người khuyết tật, đây cũng là vướng mắc nằm ngoài khả năng của tác giả Lê Huy Tích.
Nguyễn Tuân