Giới thiệu
Chuẩn bị để các sinh viên (SV) sẵn sàng với thực tế hành nghề và đáp ứng các kỳ vọng của xã hội là một trong những yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho các cơ sở đào tạo ngành kiến trúc trên thế giới hiện nay. Một thực tế đang diễn ra là các chương trình dạy và học nhìn chung chưa theo kịp với sự thay đổi bên ngoài (Zubovich-Eady 2013). Trong khi các chương trình đào tạo luôn nỗ lực đổi mới, để truyền tải các kiến thức lý thuyết hàn lâm, những nguyên lý thiết kế và kỹ năng kỹ thuật, thì luôn tồn tại một sự “đứt gãy” giữa môi trường đào tạo hàn lâm với những đòi hỏi phức tạp và đa dạng của con người từ một thực tế bất định bên ngoài trường đại học. Chủ quan, “tinh tướng”, duy ý chí hoặc học thụ động vẫn còn tương đối phổ biến trong các xưởng kiến trúc trong nhiều trường đại học khắp thế giới (Salama 2016).
Bên cạnh đó, tốc độ phát triển chóng mặt của các tiến bộ khoa học trong công nghệ xây dựng, kỹ thuật máy tính, AI và những thách thức từ một số vấn đề mang tính thời sự như sinh thái hoặc bền vững đặt ra những thách thức chưa từng có với các trường đào tạo kiến trúc. Chúng thậm chí thay đổi hoàn toàn vai trò cũng như cách tiếp cận của các KTS với đồ án. Họ từ vị trí dẫn đầu chuyển sang giúp đỡ, cộng tác trong một nhóm thiết kế đa ngành phức tạp (Sanderson and Stone 2021). Đối diện với những thách thức của một thế giới đang biến đổi quá nhanh, các cơ sở đào tạo kiến trúc cũng sẽ phải có nhiều thay đổi căn bản về nội dung giảng dạy, chiến lược sư phạm, cấu trúc chương trình, như Caglar (Çağlar et al. 2020, xiv) cho rằng: “Đào tạo kiến trúc đang ở trong một thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng”.
Các cơ sở đào tạo kiến trúc ở Việt Nam cũng không tránh khỏi việc đối diện với vấn đề phải thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo kiến trúc và thực tế hành nghề ngoài xã hội. Nguyễn Tất Thắng (2019) nhấn mạnh sự thiếu cập nhật của hệ thống giáo trình và sự gò bó của hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn lạc hậu, từ đó dẫn đến sự tách biệt giữa lý thuyết và thực hành cũng như thực tế xã hội. Cùng chia sẻ quan điểm về chiến lược và triết lý đào tạo, Nguyễn Anh Tuấn (2017) tỏ ra mạnh mẽ hơn trong quan điểm khi cho rằng dường như bốn sự khủng hoảng trong công tác đào tạo kiến trúc mà KTS Nguyễn Văn Tất nêu ra năm 1998, thì sau 20 năm vẫn còn nguyên giá trị (khủng hoảng thừa, khủng hoảng thiếu, khủng hoảng về cơ cấu và khủng hoảng về chuyên ngành). Đặc biệt là khủng hoảng chuyên ngành khi SV tốt nghiệp ngành kiến trúc biết quá nhiều thứ nhưng lại theo một cách quá sơ sài. Có thể thấy rằng, đối diện với những thách thức và khỏa lấp khoảng cách giữa đào tạo và thực tế vẫn luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng và mối bận tâm hàng đầu của các trường đại học cũng như mong ước của nhiều nhà tuyển dụng.
Chúng ta không thể phủ nhận những lo lắng và bận tâm của các tác giả như đã đề cập đến bên trên. Tuy nhiên, dường như phần lớn các nhận xét và quan sát về môi trường đào tạo kiến trúc ở Việt Nam được xuất bản từ trước đến nay đều đến theo chiều từ phía trên xuống - từ các chuyên gia hoặc KTS đã tốt nghiệp. Phần lớn trong số đó là những quan sát và diễn giải định tính, dựa trên cảm nhận của các tác giả. Những nghiên cứu này thường tập trung vào quá trình giảng dạy tại các trường đại học cũng như kỳ vọng của xã hội/nhà tuyển dụng về chất lượng của các SV hoặc KTS ra trường. Nói cách khác, đó mới là hai yếu tố trong mối liên hệ bộ ba người học - nhà trường - xã hội. Chúng ta đang thiếu một quan sát định lượng, khám phá và nhìn sâu hơn vào một yếu tố quan trọng của tam giác đào tạo: Đó là SV ngành kiến trúc.
Trong bối cảnh đó, là những người trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy, tiếp xúc với SV kiến trúc từ năm thứ nhất đến năm thứ năm, hai tác giả đã thực hiện một nghiên cứu về chủ đề cảm nhận nghề nghiệp, sự thay đổi nhận thức của SV theo năm học, cũng như nhu cầu học tập mà SV mong muốn nhận được. Mục đích của nghiên cứu tập trung vào quan điểm, biến đổi tương quan về mong đợi, cảm nhận của SV qua các năm học, từ năm đầu mới vào trường đến năm cuối chuẩn bị ra trường, theo các chuyên ngành khác nhau. Từ đó, nghiên cứu có thể góp phần bổ sung và làm rõ thêm bức tranh tổng thể về đào tạo kiến trúc, cũng như gợi mở qua phần bàn luận về giải pháp hoặc hướng đi để nâng cao chất lượng SV trong tương lai.
Phương pháp thực hiện
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu khảo sát trực tuyến ngẫu nhiên của quỹ Đổi mới Sáng tạo Kiến trúc AIF (Architectural Innovation Fund) hướng đến SV kiến trúc toàn quốc quan tâm đến hoạt động của quỹ AIF . Khảo sát nhỏ này được thực hiện trong tháng 3/2024, nhằm định hướng các chương trình và hoạt động sát với nguyện vọng và nhu cầu của SV. Tổng số có 214 SV từ năm thứ nhất đến năm thứ năm thuộc các chuyên ngành đào tạo kiến trúc đã tham gia khảo sát. Bảng khảo sát gồm hai câu hỏi dạng định hướng (structured interview) với các lựa chọn cho trước. Những câu hỏi được thiết kế nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề: SV nghĩ gì về ngành học của mình, SV muốn tham dự những hoạt động nào bổ trợ cho chương trình đào tạo chuẩn trong trường đại học. Câu hỏi số 2 có dạng mở và không giới hạn độ dài câu trả lời. Mục đích cho phép SV thuộc nhóm đối tượng khảo sát thể hiện những suy nghĩ và nhận thức của chính bản thân về ngành nghề đang theo học..
Với hai câu hỏi định hướng về các câu trả lời có lựa chọn cho trước, kết quả được xử lý bằng phần mềm Excel bằng phương pháp thống kê thông thường. Với câu hỏi 2 có dạng mở, nghiên cứu sử dụng phương pháp mã hóa của nghiên cứu định tính để tìm được các mô hình ẩn dưới câu trả lời phỏng vấn (Auerbach and Silverstein 2003). Theo đó, các câu trả lời được tổ chức thông qua một số từ khóa, gắn với những ý tưởng được lặp lại. Những ý tưởng tương đồng sẽ được tổ chức hợp nhóm lại theo một số chủ đề. Cuối cùng, từ các chủ đề này, hoàn toàn có thể xây dựng được một số lý thuyết tường thuật hoặc diễn giải về đối tượng nghiên cứu. Các kết quả sẽ được so sánh chéo, tìm ra mô hình biến đổi về quan điểm của SV giữa các năm học.
Kết quả và phân tích
Bạn là SV năm thứ mấy?
Câu hỏi này nhằm thu thập thông tin căn bản về đối tượng tham gia khảo sát. Thông tin thu được sẽ được kết hợp với các câu hỏi phía sau, nhằm phân tích chéo để có được kết quả cần thiết.
Bạn nghĩ thế nào về ngành nghề mà mình đang theo đuổi
Dựa vào các câu trả lời của SV, các từ khóa được rút ra ra để diễn giải cảm nhận của SV. Tổng số có 248 từ khóa khác nhau (vì có một số SV sử dụng nhiều hơn một từ khóa trong câu hỏi này). Bằng việc phân chia các số lượng từ khóa thu được, chúng ta có thể hợp lại thành 3 nhóm từ khóa khác nhau, trong đó, từ khóa ít nhất của nhóm trước nhiều gấp đôi từ khóa nhiều nhất của nhóm kế tiếp.
Nhóm 1: “Thú vị”, “không rõ”, “tiềm năng”, “khó”
Đây là nhóm các từ khóa phổ thông nhất, chiếm 63% tổng số trong các câu trả lời. Trong đó, nổi bật nhất là 2 ý kiến nhận xét về nghề kiến trúc “thú vị” (38%) và “tiềm năng” (18%). Điều này phản ánh một thái độ lạc quan, tính cực của SV về ngành nghề mà mình đang theo đuổi. Bên cạnh đó, lượng ý kiến đánh giá ngành kiến trúc là một ngành khó chiếm 18%. Trong số đó có 5 ý kiến cho rằng khó, nhưng đi kèm với các từ khóa khác như sáng tạo, thú vị, rộng hoặc tiềm năng. Chỉ có duy nhất một ý kiến cho rằng đây là một ngành nghề vừa khó vừa khắc nghiệt. Các ý kiến này không nhất thiết là yếu tố tiêu cực, vì đó vẫn có thể là nhận định thành thực của một SV có thái độ học hỏi, làm việc nghiêm túc với nghề.
Khi phân chia các ý kiến tương ứng theo từng năm học ta có biểu đồ như sau.
Quan sát biểu đồ trên, có một số nhận xét được rút ra.:
- Quan điểm thấy nghề kiến trúc “thú vị” khá ổn định, có khuynh hướng biến thiên tăng nhẹ từ năm 1 đến năm thứ 5;
- Quan điểm thấy nghề kiến trúc “tiềm năng” có sự biến đổi mạnh, cao nhất ở năm 1, sau giảm dần cho đến thấp nhất ở năm thứ 5, thể hiện khuynh hướng giảm;
- Quan điểm “không rõ” về nghề kiến trúc tăng gấp đôi từ năm thứ 2, đạt đỉnh ở năm thứ 3, tiếp tục cao ở năm thứ 4 và thứ 5;
- Quan điểm thấy nghề kiến trúc “khó” tăng vọt ở năm thứ 4. Đây cũng là thời điểm mà SV phải giải quyết tất cả các môn học nếu muốn được nhận đồ án tốt nghiệp ở năm cuối.
Đường biến thiên khuynh hướng cho thấy đánh giá “tiềm năng” của nghề kiến trúc suy giảm, cùng với việc thấy nghề kiến trúc là nghề “khó” tăng lên. Trong nhóm này, đáng chú ý là số SV không có cảm nhận rõ rệt về ngành nghề đang theo học. Điều này thể hiện ở việc đưa ra những từ khóa vô nghĩa, hoặc không thể diễn tả được cảm nhận về ngành nghề mình đang theo học. Điều này có thể phản ánh sự lãnh đạm, thờ ơ của người học, hoặc tệ hơn, SV không hiểu gì về ngành học của mình. Đặc biệt trong số này thì số lượng ý kiến của SV ở năm thứ ba lại cao nhất với 21%.
Nhóm 2: “Sáng tạo”, “mông lung”, “rộng”, “bình thường”, “đam mê”, “quan trọng, tốt”, “hữu ích”.
Ở nhóm 2 là các từ khóa được lặp lại trong từ 4-12 ý kiến, chiếm 30% tổng số câu trả lời. Tương tự như nhóm 1, đa phần là các từ khóa có tính tích cực như “tốt”, “hữu ích”, “quan trọng”, “đam mê”. Các ý kiến này chiếm đến 64% câu trả lời của nhóm, thể hiện sự lạc quan và nhận thức tích cực về nghề và động lực của bản thân SV. Ý kiến tiêu cực ở chiều ngược lại là sự “mông lung” (7%). SV không hiểu rõ mình học gì, lo lắng về định hướng nghề nghiệp hoặc tương lai như thế nào. Hoặc thậm chí, SV cảm thấy mơ hồ, không hiểu rõ và thấy bất cập về chương trình học. Tương tự như nhóm 1, ở nhóm này có đến 12% thấy bình thường, không tích cực, không tiêu cực. Đáng chú ý là một nửa trong số đó là SV năm thứ ba. Có lẽ SV không thấy sự hấp dẫn hoặc không có động lực cụ thể trong ngành học của mình.
Nhìn chung, các quan điểm về nghề ở nhóm 2 biến thiên khá đa dạng theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên, có một số quan sát đáng chú ý như sau:
- SV thấy kiến trúc là nghề “sáng tạo” biến thiên đa dạng theo năm. Đáng chú ý là không có SV nào năm đầu và năm thứ tư nghĩ rằng kiến trúc là nghề sáng tạo;
- SV thấy “mông lung” về nghề tăng dần. Trong khi không có SV nào ở năm đầu thấy mờ mịt mông lung thì có đến 6% SV năm cuối không hiểu về nghề và chương trình học;
- SV thấy kiến trúc là nghề có phạm vi kiến thức “rộng” tăng dần theo năm. SV càng học càng nhận ra được quy mô, phạm vi ảnh hưởng và những đòi hỏi liên quan của nghề;
- SV thấy nghề kiến trúc “bình thường”, không có gì đặc biệt, tăng dần theo các năm;
- SV thấy sự “đam mê” với nghề suy giảm theo năm. Trong khi 9% SV năm đầu bày tỏ sự đam mê với nghề kiến trúc thì con số này là 0% ở SV năm cuối;
- SV thấy nghề kiến trúc là một nghề “quan trọng” càng ngày càng giảm. Số SV năm cuối thấy nghề kiến trúc “quan trọng” còn chỉ còn bằng 1/2 so với năm đầu tiên, mặc dù tỉ lệ này ở năm thứ tư gấp đôi năm đầu tiên;
- SV thấy kiến trúc là một nghề ngành nghề “tốt” tương đối ổn định;
- SV thấy kiến trúc là một nghề “hữu ích” giảm dần trong bốn năm đầu và tăng vọt đạt đỉnh ở năm cuối.
Mặc dù, hai quan điểm “quan trọng” và “đam mê” này chỉ chiếm số lượng nhỏ (8% trong tổng số ý kiến), nhưng sự suy giảm trong nhận định ở các SV năm cuối hẳn sẽ đặt ra những câu hỏi cho các trường Đại học. Liệu bên cạnh những tác động tiêu cực của xã hội, chúng ta có thể làm gì với môi trường đào tạo kiến trúc để cải thiện những điều nêu trên?.
Nhóm 3: “Cạnh tranh”, “hấp dẫn”, “lo sợ”, “năng động”, “nghiêm túc”, “tốn thời gian”, “tự tin”, “tự do”, “mới, ổn”.
Ở nhóm 3 là các ý kiến đơn lẻ, với số lượng từ 1 đến 4 ý kiến cho mỗi từ khóa, chiếm 7% số câu trả lời. Tương tự như 2 nhóm trên, các từ khóa tích cực chiếm đa số, số lượng tiêu cực chỉ chiếm số lượng nhỏ, không đáng kể (8%).
Tổng hợp
Dựa vào các kết quả như trên, chúng ta có thể chia các quan điểm cảm nhận chung về ngành nghề của SV trong 5 năm học vào 4 nhóm như sau.
Dựa vào sự biến đổi khuynh hướng của các quan điểm theo năm học (được thể hiện bằng đường nét đứt trên biểu đồ), chúng ta có một số quan sát sau:
- Nhóm quan điểm “tích cực”: Chiếm ưu thế ở tất cả các năm học, tuy nhiên quan điểm này có khuynh hướng suy giảm mạnh nhất, tương quan với thời gian học. SV năm đầu tiên, mới vào trường đang rất tích cực và tràn trề năng lượng. Nhận thức tích cực rất cao, với các quan điểm như “thú vị”, “tiềm năng” chiếm tỉ trọng lớn, hoặc “đam mê”. Tuy nhiên, các ý kiến này giảm hẳn xuống ở các năm tiếp theo, đặc biệt là quan điểm về “đam mê” kiến trúc. Đến năm cuối, quan điểm tích cực tăng vọt lên. Có lẽ, do SV đứng trước ngưỡng cửa quan trọng, với khả năng ra trường, bước chân vào thị trường lao động của xã hội nên số lượng tích cực cao hẳn lên;
- Nhóm quan điểm “tiêu cực”: Trong khi các ý kiến này không có ở năm đầu, chỉ xuất hiện từ năm thứ hai và có khuynh hướng tăng nhẹ ở các từ năm đầu đến năm cuối. Có thể đây là một bộ phận SV, sau năm học đầu tiên được tiếp xúc với các môn học cơ sở, cảm thấy không hợp với ngành nghề hoặc chương trình đào tạo. Từ đó dẫn đến việc phát sinh quan điểm tiêu cực;
- Nhóm quan điểm “trung tính”: Xuất hiện từ năm đầu, tăng lên ở năm thứ hai và năm thứ ba, giảm ở năm thứ tư và tăng lại ở năm cuối. Nhóm quan điểm trung tính, lãnh đạm này thay thế quan điểm tích cực, tăng dần qua các năm;
- Nhóm quan điểm “khó”: Quan điểm này có khuynh hướng tăng theo các năm học. Có thể quan điểm này phản ánh những khó khăn tăng dần ở trong thời gian học, liên quan đến tính logic và kĩ thuật cao khi học những môn học chuyên ngành ở các năm cuối.
Biểu đồ cho thấy các năm thứ ba và thứ tư là một giai đoạn khá bản lề trong đào tạo kiến trúc. Đây là giai đoạn sau khi SV đã học qua các môn cơ sở, và thu nhận được một vốn hiểu biết nhất định về chuyên ngành của mình. SV được học sâu vào các môn chuyên ngành, các đồ án phức tạp đòi hỏi có thái độ làm việc nghiêm túc, khả năng tự học và rèn luyện. Chú ý đào tạo vào nhóm này sẽ giúp SV vượt qua được cảm giác khó khăn với chuyên ngành theo học, tăng cảm giác tích cực và giảm đi cảm xúc lãnh đạm trung tính.
Hoạt động nào sau đây bạn thấy phù hợp với bản thân?
Hai hoạt động nổi bật, chiếm ưu thế mà SV thấy phù hợp và mong muốn góp mặt tham dự nhất là workshop và thực tập tại các văn phòng kiến trúc. Thực tế này diễn ra ở gần như tất cả các năm học, đặc biệt là hoạt động thực tập tăng cao ở các năm cuối.
Trước hết, mong muốn được thực tập tại các văn phòng kiến trúc luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, ở tất cả các năm học. Càng học thì SV càng có mong muốn được đi thực tập. Tỷ lệ tăng trưởng cao nhất là từ năm thứ nhất sang năm thứ hai và nguyện vọng đạt mức cao nhất ở các năm cuối. Đây là thời điểm SV sắp ra trường muốn được tiếp cận với công việc thực tế. Điều này cho thấy SV ý thức rõ tầm quan trọng của việc được “cọ xát” với thực tế công việc bên ngoài trường đại học. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra vai trò rất quan trọng của việc thực tập tại các văn phòng kiến trúc đối với việc hình thành tư duy và phát triển năng lực của một KTS tương lai. Theo Orr & Gao (2013), thực tập tại các văn phòng thiết kế thực tế giúp SV thấy rằng môi trường nghề nghiệp có những điểm khác biệt nhất định so với những gì trước đó họ vẫn thường tưởng tượng. Quá trình đào tạo tại trường đại học thường chú trọng vào thiết kế trừu tượng, còn môi trường làm việc bên ngoài lại đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế. Sự đối lập này buộc người học việc phải tìm cách dung hòa kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành thực tế trong tư duy thẩm mỹ và kĩ thuật
Hoạt động mà SV quan tâm nhiều thứ hai là mong muốn được tham dự các workshop. Tuy nhiên, có một sự khác biệt nhỏ, trong khi SV năm đầu, khi mới vào trường dường như muốn được tham dự vào các hoạt động workshop để khám phá cách thức học tập làm việc ở bậc đại học thì con số này giảm dần về các năm cuối và đạt mức thấp nhất ở năm cuối. Tương tự như vậy, với hoạt động tham dự các talkshow chuyên môn. Số lượng cao nhất ở năm đầu và giảm dần về sau trong các hoạt động của chương trình đào tạo. Có lẽ đây là thời điểm mà SV chú trọng đến việc chuẩn bị thực hiện đồ án tốt nghiệp hoặc đã nắm bắt tốt hơn các kiến thức chuyên ngành. Vai trò cũng như tầm quan trọng của workshop trong hoạt động đào tạo kiến trúc ở bậc đại học đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra. Như Krasli (2014) khẳng định, workshop là một trong số công cụ đào tạo quan trọng nhất của trong đào tạo phi chính thức (infomality), bên cạnh các môi trường chuẩn mực của ngành kiến trúc. Workshop tạo ra một môi trường đào tạo tự do và cởi mở, nơi mà SV được tiếp xúc với nhiều ý tưởng, giao tiếp hiệu quả hơn, trở nên tự tin hơn và phát triển tư duy đa dạng hơn. Sau khi tham dự workshop, SV thường nâng cao các kỹ năng cùng tư duy, tìm kiếm và giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác - làm việc nhóm.
Chúng ta đang thiếu một quan sát định lượng, khám phá và nhìn sâu hơn vào một yếu tố quan trọng của tam giác đào tạo: Đó là sinh viên ngành kiến trúc
Đây vốn là những yếu tố khó đạt được nếu chỉ dựa vào các chương trình chuẩn thông thường. Smatanová (2016) cho rằng, workshop trong kiến trúc có thể khả năng đáp ứng linh hoạt, chủ động với những chủ đề mới phát sinh trong đào tạo kiến trúc, đặc biệt với các workshop liên ngành, do tính “mở”, thời gian tập trung và các đề bài phi truyền thống. Các workshop được tổ chức ở khoa Kiến trúc và Quy hoạch tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thực hiện có đặc điểm là diễn ra tập trung trong thời gian ngắn từ một hai ngày đến cả tuần. Với các chủ đề độc đáo, thiết thực gắn với SV như ứng dụng mô hình trong nghiên cứu đồ án, hoặc thiết kế các không gian nhỏ, có sự kết hợp với các bộ môn chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, có sự tham gia của các đối tác bên ngoài trường như một số văn phòng kiến trúc hoặc các trường đại học quốc tế có thỏa thuận hợp tác. Các chương trình thực sự ngắn gọn, cô đọng, chủ đề liên ngành rất thiết thực với cách thực hiện cởi mở, không gò bó như đồ án và do vậy đã rất thu hút đông đảo SV.
Xếp thứ ba là các talkshow với nhiều chủ đề đa dạng, có liên quan đến kiến trúc. Đây cũng là một hoạt động được tổ chức khá thường xuyên bởi Quỹ AIF, các CLB SV Kiến trúc, Chi hội KTS trường Đại học Xây dựng Hà Nội với các chủ đề liên ngành, khía cạnh đa dạng khác nhau như: Văn hóa, Kỹ thuật, Bảo tồn,… nhưng đều có liên quan đến kiến trúc. Diễn giả là các chuyên gia, KTS trong và ngoài nước được mời với sự tham dự đông đảo của SV và giảng viên. Có thể nói, talkshow và workshop là những hoạt động đào tạo phi truyền thống, cung cấp những góc nhìn khác biệt, kiến thức thực tiễn mới mẻ, diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn với các giao tiếp “bình đẳng” hơn giữa người nói và người nghe. Tuy nhiên, như kết quả khảo sát đã chỉ ra, số SV mong muốn tham dự ở cả hai hoạt động này có xu hướng giảm ở các năm học cuối.
Hoạt động SV mong muốn tham dự cuối cùng là các cuộc thi kiến trúc. Số lượng SV có nguyện vọng này tương đối ổn định qua các năm. Tương tự như workshop, những cuộc thi này mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho SV tham dự vào những môi trường học tập mới lạ, phi chuẩn tắc. Các cuộc thi thường niên của AIF thu hút SV kiến trúc từ các trường Đại học trên toàn quốc. Đề tài của các cuộc thi này thường có quy mô nhỏ, đơn giản, nhưng đòi hỏi tư duy sáng tạo và cách tiếp cận mới lạ. Các đồ án đoạt giải đều gây được tiếng vang trong giới kiến trúc như: Đồ án nhà vệ sinh bên Hồ Gươm, cuộc thi sáng tạo không gian nhỏ hoặc thư viện cộng đồng… Đây là những dấu hiệu khả quan cho việc đào tạo KTS ở Việt Nam.
Kết luận
Thông qua những kết quả khảo sát này, thay vì đi đến kết luận cho các câu hỏi đầu tiên, các tác giả thấy dường như có rất nhiều vấn đề được đặt ra cho những người làm công tác đào tạo ngành kiến trúc hiện tại cũng như trong tương lai gần. Liệu chúng ta đã có được một mô hình đào tạo phù hợp hay chưa? Tại sao số lượng ý kiến tiêu cực chỉ xuất hiện từ năm thứ hai, trong khi ở năm thứ nhất góc nhìn tích cực về ngành lại chiếm đa số? Rất có thể trong bối cảnh đào tạo hiện nay, với số lượng SV tương đối lớn, khiến nhiều SV không có cơ hội “mở khóa” tiềm năng của bản thân. Rất có thể những ý kiến tiêu cực này đến từ những SV thấy cá nhân không được đáp ứng nhu cầu học hỏi riêng. Liệu những SV có góc nhìn tiêu cực cảm thấy đã chọn nhầm nghề, sau khi bước vào trường đại học hay không? Từ đó, câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta đã có một mô hình sàng lọc hoặc hỗ trợ đầu vào hợp lý cho SV chưa? Nếu giải quyết tốt bài toán này, rất có thể sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực cũng như đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành kiến trúc là một đòi hỏi cấp thiết của xã hội. Tuy nhiên đây cũng là bài toán vô cùng phức tạp. Thông qua nghiên cứu của mình, các tác giả không có tham vọng đưa ra một kết luận cụ thể nào đó về định hướng hoặc đề xuất việc chỉnh sửa hệ thống đào tạo hiện hành. Thay vào đó, chúng ta có thể hướng tới một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về những mong muốn và sự biến đổi suy nghĩ của SV ngành kiến trúc trong suốt quá trình đào tạo. Từ đó, hy vọng rằng các nhà quản lý có được bức tranh toàn cảnh về đào tạo kiến trúc hiện nay và đề xuất những chính sách đổi mới phù hợp, để chương trình đào tạo kiến trúc của Việt Nam tiệm cận với trình độ của khu vực và trên thế giới.
KTS. Doãn Thế Trung Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội KTS. Nguyễn Mạnh Trí Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3-2024)
Tài liệu tham khảo Auerbach, Carl, and Louise B Silverstein. 2003. “Part Ill: Analyzing Your First Research Study.” In Qualitative Data: An Introduction to Coding and Analysis, 21:31-76. New York: NYU press. Çağlar, Nur, Irene G. Curulli, Işil Ruhi-Sipahioğlu, and Lazaros E. Mavromatidis, eds. 2020. Thresholds in Architectural Education. Hoboken: ISTE Ltd / John Wiley and Sons Inc. Karslı, Umut Tuğlu, and Serpil Özker. 2014. “The Contributions of Workshops on Formal Interior Architecture Education.” Procedia - Social and Behavioral Sciences 152 (October): 47-52. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2014.09.152. Orr, Kevin, and Yun Gao. 2013. “Becoming an Architect: The Role of Work-Based Learning in Architect Training.” Vocations and Learning 6 (2): 221-35. https://doi.org/10.1007/s12186-012-9093-x. Salama, Ashraf M. A. 2016. Spatial Design Education: New Directions for Pedagogy in Architecture and Beyond. London: Routledge. Sanderson, Laura, and Sally Stone. 2021. Emerging Practices in Architectural Pedagogy: Accommodating an Uncertain Future. 1st ed. London: Routledge. https://doi.org/10.4324/9781003174080. Smatanová, Katarína, and Alexandra Dubovcová. 2016. “Workshop as a Tool in Architectural Education.” World Transactions on Engineering and Technology Education 14 (1): 123-28. Thắng, Nguyễn Tất. 2019. “Đổi mới Mô hình, Phương pháp và Đào tạo ngành Kiến trúc tại các trường đại học của Việt Nam.” Tạp chí Kiến trúc 11: 22-25. Thành, Nguyễn Trí. 2014. “Một số vấn đề về phát triển đào tạo KTS.” Tạp chí Kiến trúc, no. 10. Tuấn, Nguyễn Anh. 2017. “Những câu hỏi lớn trong tổ chức đào tạo KTS.” Tạp chí Kiến trúc, no. 8: 26-29. Zubovich-Eady, Katherine. 2013. “Architecture School: Three Centuries of Educating Architects in North America.” Planning Perspectives 28 (3): 511-12. https://doi.org/10.1080/02665433.2013.800711.