Chào các ACE! Cho tôi chia sẻ một số kiến thức về hổ phách tự nhiên màu đen. Kiến thức này dựa vào các tài liệu đá quý học và sự tư vấn của các thợ kim hoàn chế tác hổ phách chuyên nghiệp tại thành phố Kaliningrad, Nga. Nơi khai thác và sản xuất lượng hổ phách lớn nhất thế giới (khoảng 80% tổng sản lượng hổ phách bán trên thị trường thế giới).
Hiện tại, ở Việt Nam có 3 loại sản phẩm mà người bán hay gọi là hổ phách đen:
LOẠI 1. Hổ phách màu tối sẫm, có điểm đen xì, có điểm xanh xám, nâu, cũng có điểm màu sáng nhạt. Một phần trong suốt, một phần mờ. Khi nhìn dưới ánh sáng mạnh, sẽ thấy màu xanh xám. Đây là loại hổ phách màu sẫm tự nhiên duy nhất.
Hổ phách tự nhiên thật không bao giờ có màu đen hoàn toàn vì nó là nhựa cây. Bản chất của nó là màu vàng nâu. Khi tiếp xúc với một lượng lớn đất, tảo, phù sa, thực vật, v.v. thì nhựa cây vốn màu sáng trong suốt trở thành sẫm màu. Ngoài ra, loại hổ phách này còn giàu khoáng chất hơn bất kỳ loại hổ phách nào khác.
Loại hổ phách này rất đẹp. Ranh giới giữa lớp màu sáng trong suốt và những vùng tối với cát, phù sa và thực vật có ở đó từ hàng triệu năm trước trông đặc biệt đẹp.
Theo ngôn ngữ chuyên nghiệp của các thợ kim hoàn chuyên môn hổ phách Baltic, hổ phách loại này được gọi là “hoang dã” hoặc “xỉ quặng”. Khác với hổ phách màu mật ong thuần 100% là nhựa cây, thành phần của hổ phách sẫm phần lớn bao gồm chất hữu cơ được liên kết bởi nhựa, nên loại hổ phách này dễ vỡ hơn. Những thợ kim hoàn không thích làm việc với loại hổ phách này lắm, vì họ thường xuyên phải vứt bỏ những sản phẩm dở: trong quá trình chế tạo, chúng bị nứt.
Dưới đèn tia cực tím, hổ phách sẫm phát sáng huỳnh quang với màu sắc tươi sáng mạnh mẽ, không đồng đều, bởi vì các tạp chất trong nhựa cây không bao giờ đồng đều đến mức chiếm 100%. Những điểm của miếng hổ phách có màu sáng thì ánh sáng huỳnh quang sẽ màu vàng, còn điểm màu tối thì ánh sáng huỳnh quang sẽ màu tím lốm đốm.
Mặc dù hổ phách màu sẫm tự nhiên tương đối hiếm, chiếm khoảng 15% tổng lượng hổ phách Baltic được khai thác, giá bán các sản phẩm ngang bằng hổ phách Baltic màu vàng nâu.
Một ưu điểm của hổ phách màu sẫm tự nhiên mà các bạn nên biết là hầu như không có hàng nhái và sản phẩm từ hổ phách ép vì màu sắc của các đường vân, các tạp chất và các thể vùi nguồn gốc tự nhiên như tảo, vỏ cây, đất sét, côn trùng và các loại khác, trong hổ phách “hoang dã” này, rất khó bắt chước một cách nhân tạo.
LOẠI 2. Hổ phách màu tối, trong phòng có ánh sáng yếu nhìn trông như màu đen, nhưng khi mang ra ánh sáng mặt trời thì màu sắc thay đổi thành màu đỏ, màu quả cherry hoặc màu nâu đỏ. Phần lớn các sản phẩm này là trong suốt, ít khi có tạp chất hoặc bao thể. Đây là hổ phách tự nhiên đã qua xử lý để lấy màu sắc: gia nhiệt trong thời gian từ vài tiếng đến một ngày đêm. Càng lâu, màu sắc càng tối. Màu gốc của các sản phẩm này là vàng nhạt hoặc nâu.
Hiện tại, trên thị trường thế giới lẫn cả Việt Nam hơn 90% các sản phẩm có màu đen đỏ đơn thuần là hổ phách đã gia nhiệt. Thực tế, không tồn tại hổ phách Baltic với màu tự nhiên như vậy. Màu đỏ và màu cherry cũng là do thợ thủ công sử dụng các công nghệ tạo màu. Đặc biệt nếu sản phẩm đó trong suốt.
Dưới đèn UV, các miếng hổ phách màu đen loại này sẽ phát huỳnh quang rất yếu, chủ yếu màu tím đều đều.
Trong quảng cáo người ta hay viết «Hổ phách Baltic huyết đen có giấy kiểm định». Thực tế, các trung tâm kiểm định chỉ xác nhận thành phần là hổ phách tự nhiên. Trong giấy kiểm định không ghi rõ sản phẩm đó được làm bằng hổ phách đã xử lý hay chưa xử lý, màu sắc có tự nhiên hay nhân tạo.
Khuyết điểm của loại hổ phách này không những là màu sắc không tự nhiên mà còn là đa số sản phẩm là hàng ép.
LOẠI 3. Hổ phách màu đen tuyền, hoàn toàn không trong suốt. Khi nhìn qua ánh sáng mặt trời hoặc đèn sáng mạnh, nó vẫn mờ. Đây không phải là hổ phách. Đây là gagát (đá huyền) - một loại khoáng sản dạng than đá, xuất phát từ gỗ rừng ở những vùng có núi lửa, bị lớp dung nham đốt cháy và chôn vùi, trải qua hơn 100 triệu năm với những tác động khí hậu bên ngoài tạo thành hổn hợp Huyền.
Gagat còn được gọi dưới các tên: “hổ phách đen”, “huyền phách”, “ngọc thạch anh đen”, lignite (than nâu, than non), gisher. Theo Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN 5855:2017) quy định thuật ngữ và phân loại các loại đá quý, đá mỹ nghệ có nguồn gốc vô cơ và hữu cơ được sử dụng làm các vật trang sức, Gagat có tên gọi khác: Đá huyền, Than nâu hóa thạch.
Gagat là một vật liệu đồng nhất, dày đặc, trơn tru với độ bóng như nhựa cực kỳ trơn. Màu sắc của nó là đen hoặc nâu đen. Độ cứng trên thang khoáng vật học là 3-4 (độ cứng của hổ phách chỉ là từ 2 đến 2,5). Thành phần của gagat từ 60 đến 80 % carbon, từ 6 đến 7,5 % hydro, còn lại là tạp chất. Để so sánh, thành phần hổ phách chứa khoảng 80 % carbon, 10 % hydro và 10 % oxy.
Hổ phách và Gagat là anh em ruột. Tức là có nhiều điểm tương đồng với nhau: cùng có nguồn gốc từ thực vật (hổ phách từ nhựa cây, còn huyền phách từ thân cây). Trọng lượng nhẹ và ấm áp chứ không lạnh như đá. Cả hai đều dễ cháy, phát huỳnh quang dưới tia cực tím vì là chất hữu cơ. Nhưng đá huyền phát huỳnh quang rất yếu, màu tím nhạt.
Chính vì thế người cổ xưa gọi gagat là “hổ phách đen”. Từ thế kỷ 16, Nữ hoàng Anh đã sử dụng đến Huyền và nước Anh cũng từng là nơi cung cấp Huyền đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, mỏ Huyền ở miền Bắc nước Anh đã cạn kiệt từ giữa thế kỷ 20. Ngày nay, đa số Huyền có trong thị trường đến từ vùng biển Hắc Hải, nằm giữa Đông Nam Châu Âu và vùng Tiểu Á.
Huyền phách được dễ dàng xử lý và đánh bóng, có vẻ bóng đẹp. Do đó, từ thời La Mã cổ đại đến bây giờ, người ta rất ưa chuộng trang sức bằng Huyền phách, với các loại trâm cài tóc, hoa tai, dây chuyền, vòng tay, nhẫn. Người ta có thể gia công thành nhiều mặt hàng trang sức đẹp với màu sắc đen tuyền, độ bóng mượt mà óng ánh. Màu đen bí ẩn, tượng trưng cho sự im lặng, huyền bí, khép kín, và nội tâm. Màu sắc của huyền phách bình dị không phô trương, nhưng vẫn có sự lôi cuốn riêng.
Để hình dung về sự khác nhau của hổ phách tự nhiên màu sẫm, hổ phách màu đen đỏ đã được gia nhiệt và gagat, mời các bác xem ở các hình ảnh
Bài viết và hình ảnh từ tác giả Hoc Raungo
Link nội dung: https://loptienganh.edu.vn/den-huyen-a69502.html