Ngành nhân sự vẫn luôn là một trong số những ngành nghề được đông đảo các bạn trẻ quan tâm bởi sự năng động và khả năng thăng tiến rõ ràng. Trước nay mọi người vẫn luôn nghĩ rằng, người làm nhân sự sẽ chủ yếu tìm người tài, khiến họ trở thành nhân viên của công ty. Nhưng liệu nhân sự chỉ đơn giản là thuê và tuyển dụng các nhân viên? Bên cạnh hoạt động chủ chốt là tuyển dụng và đào tạo, HR còn có những chức năng quan trọng, là phòng ban không thể thiếu ở mỗi công ty, đặc biệt là các công ty lớn.
CÔNG VIỆC HÀNH CHÍNH ( HR - ADMIN)
Tại đây, bạn sẽ làm các công việc liên quan đến giấy tờ, phụ trách về hồ sơ nhân viên; thực hiện chuyển phát nhanh, giao nhận văn bản, thư hợp đồng; quản lý các tài sản công: xe cộ, bất động sản, hỗ trợ các du lịch hay chuẩn bị các giấy tờ cho buổi họp.
Vị trí này không yêu cầu cao về kiến thức chuyên môn, nhưng bạn cần có những khả năng nhất định:
Khả năng tin học văn phòng: liên quan đến giấy tờ đòi hỏi những kỹ năng như Excel, Word,.. của bạn phải thành thạo, nhanh nhạy tránh bị sai sót trong việc truyền đạt thông tin
Kỹ năng tổ chức: Các nhân viên hành chính thường có rất nhiều việc trong một ngày, biết cách sắp xếp, tổ chức sẽ giúp quá trình trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Bạn nên sắp xếp chúng theo mức độ quan trọng hoặc khẩn cấp.
Kỹ năng giao tiếp: Biết cách truyền đạt khéo léo và tế nhị là cách nhanh nhất để bạn giải quyết các vấn đề công việc
Bạn có thể nâng cao các kỹ năng này bằng cách tham gia các hoạt động trong các câu lạc bộ ở trường, hoặc thực tập ở các công ty vừa và nhỏ để lấy kinh nghiệm. Đừng quên để ý đến các chi tiết nhỏ và cách mọi người sắp xếp để tự rút ra những bài học cho chính mình.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một vài khóa học để nâng cao các kỹ năng cho bạn thân
Về kỹ năng excel: excel trong kinh doanh , excel từ cơ bản đến nâng cao
Khả năng quản lý, giải quyết vấn đề: dự báo và giải quyết vấn đề
TUYỂN DỤNG (RECRUITMENT)
Đây có lẽ là công việc nổi bật và phổ biến nhất của HR, là hoạt động cơ bản của HR. Từ tiêu chuẩn đã đặt ra, HR sẽ phải tìm những nguồn ứng viên, đăng tin tuyển dụng. Sau khi nhận hồ sơ, HR sẽ sàng lọc hồ sơ và liên hệ với ứng viên, lên lịch phỏng vấn online hay offline, thực hiện các bài kiểm tra đánh giá năng lực.Bên cạnh đó, bạn phải thường xuyên trao đổi với các phòng ban, các cấp quản lý để nắm được nhu cầu và chất lượng nhân sự mà tổ chức cần tuyển.
Là nhà tuyển dụng, bạn cần có network đủ rộng để có thể thu hút và tìm hiểu càng nhiều nhân tài càng tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên trau dồi một vài kỹ năng như:
Kỹ năng phản biện: Đây là một trong số những kỹ năng cần thiết nhất của nhà tuyển dụng. Tiếp xúc với nhiều người, nhiều quan điểm bạn phải luôn có lập trường rõ ràng, đúng đắn. Bên cạnh đó, cần có một tư duy nhạy bén và khả năng lập luận logic để có thể phân tích, đánh giá và phân loại ứng viên phù hợp.
Kỹ năng tin học văn phòng: Bạn sẽ phải đánh máy rất nhiều, liên quan đến các công việc thư từ, bản thảo, hay các nhận xét đánh giá cho buổi phỏng vấn, những quyết định,.. Vì thế biết và nắm rõ các công cụ tin học sẽ giúp bạn chuyên nghiệp hơn rất nhiều
Khả năng ngoại ngữ: Làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, biết nhiều loại ngôn ngữ thực sự là một lợi thế rất tốt để tận dụng các cơ hội. Không chỉ với các nhà tuyển dụng mà còn với đa số các phòng, ban. Ngôn ngữ sẽ giúp bạn mở rộng phạm vi tìm kiếm và giúp lựa chọn những ứng viên tiềm năng nhất.
Một số khóa học về các kỹ năng:
Khả năng phản biện: tư duy phản biện
Ngôn ngữ: Tiếng Anh trong doanh nghiệp
ĐÀO TẠO (TRAINING)
Sau khi xác định được nhu cầu và đối tượng đào tạo, tổ chức sẽ lựa chọn phương pháp đào tạo và lên kế hoạch đào tạo. Quy trình đào tạo thường gồm các bước: xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và đánh giá hiệu quả. Làm việc ở vị trí này, bạn phải dành nhiều thời gian nghiên cứu đưa ra các chính sách định hướng đào tạo cho nhân viên trong công ty. Trao đổi với cấp trên, tổ chức những chương trình huấn luyện nội bộ cho nhân viên, tìm kiếm và liên kết những cơ hội đào tạo từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tổ chức.
Là người đào tạo cho những nhân viên khác, bạn phải có vốn hiểu biết dày và phong phú, đặc biệt là sự am hiểu về nhiệm vụ, văn hóa của công ty. Giống như một người thầy giáo, bạn sẽ phải lên lịch và các bài giảng cho các nhân viên mới. Khả năng thuyết trình và giải quyết vấn đề có lẽ là hai kỹ năng tối quan trọng nếu bạn muốn làm việc trong mảng này.
Một số gợi ý giúp các bạn tích lũy thêm kinh nghiệm từ Company Insider:
Tham gia vào các lớp huấn luyện, hoặc các buổi chia sẻ của các tập đoàn lớn, chú ý cách sắp xếp của họ. Thực tập tại các công ty, tham gia vào các câu lạc bộ kỹ năng sống. Bạn cũng có thể đọc nhiều sách hơn để có thêm hiểu biết về kiến thức xã hội.
Học thêm một vài khóa học online miễn phí:
cách xử lý tình huống
kỹ năng thuyết trình
TIỀN LƯƠNG VÀ PHÚC LỢI (C&B - COMPENSATION & BENEFIT)
Người đảm nhận vị trí này sẽ có nhiệm vụ quản lý hệ thống tính toán lương dựa trên năng lực và chính sách của công ty cho các nhân viên như: thực hiện công tác chấm công, quản lý việc nghỉ phép năm, vắng trễ, nghỉ việc; xây dựng thang bảng lương theo vị trí công việc và năng lực,...Bên cạnh đó, bạn cũng là người chịu trách nhiệm các vấn đề về chế độ đãi ngộ, thủ tục pháp lý,...
Ở vị trí này, có một vài kĩ năng khá quan trọng mà các bạn cần chuẩn bị:
Khả năng xử lý và phân tích số liệu: Phần nhiều công việc của bạn liên quan đến tính toán, vì thế bạn cần có khả năng nhạy bén và niềm yêu thích với các con số. Đôi khi chỉ một phép toán bị nhầm sẽ dẫn đến những sai sót, tổn thất vô cùng to lớn
Kỹ năng cập nhật và áp dụng luật: Vì bạn cũng là người phụ trách các chế độ lương bổng, đãi ngộ, bạn cần không ngừng cập nhật những thông tin mới nhất về chính sách cũng như các luật liên quan đến lao động để kịp thời đưa ra các biện pháp, thay đổi phù hợp.
Bên cạnh đó, sự tỉ mỉ, cẩn thận, trung thực là yếu tố vô cùng quan trọng đối với những người đang kiểm soát tài chính của công ty.
Nếu muốn làm tốt công việc này bạn nên tham gia vào các Ban Tài chính hoặc Đối ngoại của các CLB để hiểu rõ hơn về cách tính toán và quản lý tiền bạc. Đọc thêm sách và đi thực tập cũng là những cách hiệu quả để bạn nắm rõ những quy luật của công việc.
QUAN HỆ LAO ĐỘNG (EMPLOYEE RELATIONS)
Đây có lẽ là công việc nhạy cảm nhất. Vị trí này sẽ là cầu nối giữa người lao động và Ban giám đốc để hỗ trợ xây dựng, phát triển các chương trình, chính sách dành cho đội ngũ nhân lực luôn được cải tiến thông qua các quá đình đóng góp của các bộ phận. Đồng thời, sẽ là người người kiểm soát các kết quả thực hiện quy định của các cấp nhân sự ở các bộ phận có tính tuân thủ quy định hay không, những sai phạm được phát hiện sẽ do vị trí này đảm nhận việc đề xuất hướng xử lý kỷ luật tuân thủ đúng quy trình pháp luật ban hành. Gia tăng mức độ gắn kết và đẩy mạnh tinh thần làm việc cũng là một trong các nhiệm vụ mà quan hệ lao động cần quan tâm
Tên của công việc có lẽ đã hé lộ phần nào những khả năng cần thiết khi làm trong lĩnh vực này. Vị trí này yêu cầu có kiến thức chuyên môn cao về ngành nhân sự, luật hoặc tâm lý học. Bạn có thể tham gia các buổi hội nghị, hội thảo liên quan đến việc phát triển các kỹ năng; hay tự mình trải nghiệm nhiều hơn để tích lũy; dành nhiều thời gian đọc sách: Giữ hiệu quả công việc khi gặp khó khăn (Karl E.Weick và Kathleen M.Sutcliffe), Thu hút và giữ chân nhân tài (Richard Luecke)... Hay lựa chọn một vài khóa học hữu ích để theo học:
thấu cảm và EQ
khả năng lãnh đao
teamwork
Bản quyền bài viết thuộc về Company Insider. Vui lòng ghi nguồn “Theo companyinsider.vn” khi chia sẻ.
Link nội dung: https://loptienganh.edu.vn/nhan-su-gom-nhung-mang-nao-a67932.html