Tài chính - ngân hàng là ngành học khá rộng, bao quát tất cả các dịch vụ giao dịch, lưu thông và vận hành tiền tệ. Đồng thời, ngành học này còn có thể chia thành nhiều chuyên ngành khác nhau như ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính thuế, tài chính bảo hiểm,...
Sinh viên khi theo học ngành tài chính - ngân hàng, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức về lĩnh vực tài chính, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động trên thị trường vốn như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, người học còn được rèn luyện bản lĩnh và khả năng tự nghiên cứu khi gặp vấn đề mới, đối đầu và ứng biến nhạy bén trong trường hợp phát sinh rủi ro liên quan đến tài chính, tiền tệ.
Dưới đây là một số trường đại học có tuyển sinh, đào tạo ngành tài chính - ngân hàng, bạn có thể tham khảo và cân nhắc lựa chọn:
Học viên Ngân hàng
Ngành tài chính - ngân hàng tại Học viện Ngân hàng luôn đưa ra yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi theo học đó là phải chăm chỉ, biết học hỏi, cập nhật, để tích lũy kiến thức tài chính cả trên giảng đường và thực tiễn. Chương trình đào tạo tại đây được thiết kế bám sát với tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Theo Học viện Ngân hàng, sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội làm việc tại các tổ chức uy tín trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như: Các doanh nghiệp (chuyên viên tài chính, giám đốc tài chính, chuyên viên tư vấn thuế, giám đốc thuế); Ngân hàng thương mại (chuyên viên tín dụng doanh nghiệp, nguồn vốn...); Đại lý thuế, đại lý hải quan, các công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán; Kho bạc Nhà nước (chuyên viên tài chính công).
Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển nhóm ngành tài chính - ngân hàng của trường này như sau: Ngân hàng (Chương trình Chất lượng cao) 32,7 điểm, trong đó môn Toán nhân đôi; Tài chính (Chương trình Chất lượng cao) 32,6 điểm, trong đó môn Toán nhân đôi.
Cùng với đó, ngành Ngân hàng 25,7 điểm; Ngân hàng số 25,65 điểm; Tài chính 26,05 điểm; tài chính - ngân hàng (liên kết ĐH Sunderland, Anh Quốc, cấp song bằng) 23,55 điểm; Ngân hàng và Tài chính quốc tế (liên kết ĐH Coventry, Anh Quốc, cấp song bằng) 21,6 điểm.
Đại học Thương Mại
Theo đề án tuyển sinh của Đại học Thương mại năm 2023, chuyên ngành tài chính - ngân hàng sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển là: A00 (Toán Lý Hóa); A01 (Toán Lý Anh); D01 (Toán Văn Anh); D07 (Toán Hóa Anh).
Sinh viên khi theo học ngành tài tài chính - ngân hàng tại Đại học Thương Mại sẽ được học các môn chuyên ngành về tài chính, tiền tệ, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Đặc biệt, Đại học Thương Mại luôn chú trọng trong việc kết nối với các ngân hàng thương mại, Công ty chứng khoán, doanh nghiệp, hợp tác với đơn vị thực tế trong quá trình đào tạo để giúp đưa sinh viên đến gần hơn với nhà tuyển dụng. Cho nên, ngay khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được tuyển dụng và trở thành nhân viên của ngân hàng luôn, không phải mất thời gian nhiều cho quá trình tìm kiếm việc làm.
Năm 2023, Đại học Thương Mại lấy điểm chuẩn ngành tài chính - ngân hàng (chuyên ngành tài chính công) là 25,7 điểm, tài chính - ngân hàng (tài chính - ngân hàng thương mại) chạm ngưỡng 25,9 điểm.
Đại học Ngoại Thương
Nếu muốn làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bạn có thể lựa chọn theo học 3 chuyên ngành: Tài chính quốc tế, Ngân hàng và Phân tích và đầu tư tài chính tại Đại học Ngoại Thương. Cả ba chuyên ngành trên đều trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về lĩnh vực gắn với hoạt động của các loại thị trường tài chính và định chế tài chính cũng như thành phần, tác nhân liên quan.
Cụ thể, chuyên ngành Tài chính quốc tế sẽ trang bị kiến thức về hệ thống tài chính quốc tế, thị trường tài chính quốc tế, tài chính công ty đa quốc gia. Chuyên ngành Ngân hàng cung cấp cho sinh viên nền tảng cơ bản về nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng - kênh dẫn.
Năm nay, ngành tài chính - ngân hàng của Đại học Ngoại Thương cơ sở phía Bắc lấy mức điểm chuẩn 27,45 điểm với 7 tổ hợp xét tuyển (A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07) và co sở phía Nam lấy 27,8 điểm với 4 tổ hợp xét tuyển (A01, D01, D06, D07).
Đại học Kinh tế Đà Nẵng
Chương trình đào tạo ngành tài chính - ngân hàng tại Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) được thiết kế trên cơ sở đổi mới nhằm giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và những vấn đề đặc thù liên quan đến lĩnh vực này.
Đồng thời, chương trình học của ngành tài chính - ngân hàng tại đây còn được áp dụng 100% giáo trình nước ngoài đối với tất cả những học phần có sự tương thích cao với môi trường quốc tế, tăng cường các hoạt động thực hành trên hệ thống ngân hàng ảo, giúp sinh viên nâng cao tay nghề và đủ sức cạnh tranh trong thị trường việc làm trong và nước ngoài.
Năm 2023, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển đối vói ngành tài chính - ngân hàng là 24 điểm, xét tuyển tổ hợp khối A00; A01; D01; D90.
Đại học Tài chính - Marketing
Ngành tài chính - ngân hàng của Đại học Tài chính - Marketing đang đào tạo 7 chuyên ngành chính: Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng, Thẩm định giá, Thuế, Tài chính công, Tài chính bảo hiểm và đầu tư, Hải quan - Xuất nhập khẩu. Tổng khối lượng kiến thức đào tạo của mỗi chuyên ngành là 121 tín chỉ, với thời gian đào tạo 4 năm.
Năm nay, ngành tài chính - ngân hàng của Đại học Tài chính - Marketing xét mức điểm chuẩn trúng tuyển 24,2 điểm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể theo đuổi ngành tài chính - ngân hàng tại một số trường đại học khác như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hoa sen, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM.
Link nội dung: https://loptienganh.edu.vn/ngan-hang-hoc-truong-nao-a67908.html