Thủ tục thành lập nhà hộ sinh được thực hiện như thế nào?

Ngoài dịch vụ thai sản thuộc các bệnh viện công lập và tư nhân, nhà hộ sinh cũng là một nơi đáng tin cậy để các gia đình gửi gắm sức khỏe sinh sản. Các nhà hộ sinh đang được thành lập ngày một nhiều với dịch vụ chất lượng và giá thành hợp lý. Việc thành lập nhà hộ sinh cần tuân thủ một số quy định của pháp luật.

Tìm hiểu quy định pháp luật về thành lập nhà hộ sinh cùng NPLaw

Chúng ta thường chỉ biết về hoạt động của nhà hộ sinh nhưng ít ai biết cơ sở này được thành lập như thế nào. Vậy pháp luật có những quy định gì về thành lập nhà hộ sinh? Quý khách hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây.

A. Cơ sở pháp lý

1. Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

2. Nghị định 109/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 7 năm 2016 Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sửa đổi, bổ sung năm 2018;

3. Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành ngày 07 tháng 10 năm 2015 Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

B. Nội dung tư vấn

I. Các vấn đề cần biết trước khi thành lập nhà hộ sinh

Một số nội dung chung về nhà hộ sinh mà Quý khách hàng cần tìm hiểu trước khi muốn thành lập cơ sở này đó là:

1. Nhà hộ sinh là gì?

Nhà hộ sinh là một loại hình cơ sở khám, chữa bệnh được điều chỉnh bởi Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Nghị định 109/2016/NĐ-CP và một số văn bản dưới luật khác có liên quan. Nhà hộ sinh hoạt động trong lĩnh vực y tế về sức khỏe sinh sản. Cá nhân muốn thành lập nhà hộ sinh cần tuân thủ một số quy định pháp luật.

2. Nhà hộ sinh thực hiện những hoạt động gì?

Một số hoạt động mà nhà hộ sinh thực hiện bao gồm:

- Khám thai, quản lý thai sản;

- Cấp cứu ban đầu, sơ cứu sản khoa;

- Tiêm phòng uốn ván;

- Thử protein niệu;

- Đỡ đẻ;

- Nạo sót rau sau đẻ; sau sẩy thai;

- Đặt vòng tránh thai;

- Hút thai, phá thai nội khoa đối với thai nhỏ hơn hoặc bằng 06 tuần (từ 36 ngày đến 42 ngày, kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng) khi đáp ứng các điều kiện quy định tại chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

- Các kỹ thuật chuyên môn khác do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế của người hành nghề và điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám.

II. Điều kiện thành lập nhà hộ sinh

Điều kiện để thành lập cũng như được cấp Giấy phép hoạt động của nhà hộ sinh bao gồm:

1. Điều kiện về cơ sở vật chất

- Các phòng chức năng phải được thiết kế liên hoàn, hợp lý để thuận tiện cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh;

- Có các phòng khám thai, khám phụ khoa, kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình, mỗi phòng phải có diện tích ít nhất là 10m2; phòng đẻ phải có diện tích ít nhất là 16m2, phải bố trí góc sơ sinh; phòng nằm của sản phụ có diện tích ít nhất là 10m2. Trường hợp phòng nằm của sản phụ có từ 3 giường bệnh trở lên thì phải bảo đảm diện tích ít nhất cho một giường bệnh là 5m2.

2. Điều kiện về thiết bị y tế

- Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài nhà hộ sinh. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài nhà hộ sinh thì phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và được phép cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh;

- Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

3. Điều kiện về tổ chức, nhân sự

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của nhà hộ sinh phải là bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa hoặc hộ sinh viên tốt nghiệp đại học có chứng chỉ hành nghề.

III. Trình tự, thủ tục thành lập nhà hộ sinh

Thủ tục thành lập nhà hồ sinh cần tuân theo một số nội dung như sau:

1. Hồ sơ thủ tục thành lập nhà hộ sinh

Để thành lập nhà hộ sinh, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động sẽ bao gồm một số tài liệu sau:

(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động (theo mẫu);

(2) Bản sao có chứng thực quyết định thành lập đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;

(3) Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề và danh sách người đăng ký hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo mẫu);

(4) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo mẫu);

- Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn;

- Một số văn bản khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

2. Quy trình, thủ tục thành lập nhà hộ sinh

Thủ tục thành lập nhà hộ sinh được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các tài liệu như trên và nộp cho cơ quan có thẩm quyền;

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và gửi lại Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định;

Bước 3: Thời gian 90 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền ra quyết định cấp Giấy phép hoạt động cho nhà hộ sinh.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp Giấy phép hoạt động để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể là bổ sung thêm những tài liệu nào, sửa đổi nội dung gì;

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không cấp Giấy phép hoạt động phải có văn bản và nêu rõ lý do không đồng ý cấp.

IV. Giải đáp thắc mắc về thành lập nhà hộ sinh

Xoay quanh vấn đề thành lập nhà hộ sinh có một số câu hỏi thường gặp được NPLaw giải đáp như sau:

1. Biển hiệu của nhà hộ sinh cần có lưu ý gì?

Nhà hộ sinh phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:

- Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

- Địa chỉ của cơ sở ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại.

- Thời gian làm việc hằng ngày.

2. Nhân viên hộ sinh hạng III cần đáp ứng yêu cầu văn bằng gì?

Tiêu chuẩn trình độ của hộ sinh III cần một số loại văn bằng sau đây:

- Tốt nghiệp cử nhân trở lên chuyên ngành hộ sinh;

- Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

3. Nhà hộ sinh có được cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh nhi và tiêm chủng không?

Câu trả lời là được. Thực tế, nhà hộ sinh được thực hiện các công việc theo phạm vi hoạt động trong Giấy phép. Trường hợp nhà hộ sinh có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nhi và tiêm chủng vắc-xin theo quy định của pháp luật về tiêm chủng thì được bổ sung vào quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn của nhà hộ sinh.

V. Dịch vụ tư vấn thành lập nhà hộ sinh

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) hiện có cung cấp dịch vụ tư vấn thành lập các loại hình cơ sở khám, chữa bệnh nói chung và nhà hộ sinh nói riêng. Quý Khách hàng có mong muốn mở nhà hộ sinh vui lòng liên hệ với NPLaw để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các thủ tục. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về thành lập nhà hộ sinh. Đây là một cơ sở y tế có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản giúp nhiều gia đình có thêm lựa chọn khi sinh con ngoài các bệnh viện có phần đông đúc. Trước khi mở nhà hộ sinh, Quý Khách hàng cần hiểu luật và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn

Link nội dung: https://loptienganh.edu.vn/nha-ho-sinh-la-gi-a67096.html