Nữ sinh viên đi về giữa đêm, chủ nhà trọ đòi "đụng chạm" mới mở cổng

Chết điếng trước ông chủ nhà trọ tốt bụng, lịch thiệp

L.N.H. là sinh viên năm 2 một trường đại học ở TPHCM. Chỗ cô thuê trọ chung khu vực với chủ nhà nhưng hai bên có lối ra vào riêng nên cũng ít khi đụng mặt.

Nữ sinh viên đi về giữa đêm, chủ nhà trọ đòi đụng chạm mới mở cổng - 1

H. bị ông chủ nhà trọ quấy rối bằng những lời sàm sỡ (Ảnh minh họa: AI).

Dãy trọ của H. có nhiều phòng trọ, phía trước là một cổng chung lớn được khóa vào buổi tối nhằm đảm bảo an toàn.

H. kể, chiều đó sau giờ học ở trường, cô đưa người bạn học lên cơn co giật nhập viện đến gần 11h đêm mới trở về khu trọ.

Lần đó, H. bị mất chìa khóa, chưa kịp làm lại. Về đến nơi, cô cầm điện thoại tính gọi người bạn cùng dãy trọ ra mở cửa giúp thì ông chủ nhà gần 60 tuổi ngồi trước dãy trọ hút thuốc lò dò bước tới.

Ông chủ nhà chìa khuôn mặt sát cánh cửa song sắt, với một cánh tay ra ngoài kéo lấy áo H., cười: "Cho sờ tý rồi anh mở cổng".

Cô nữ sinh bị bất ngờ, lùi người ra rồi đứng như trời trồng một lúc lâu. H. không hiểu sao lúc đó mình không phản kháng mà lại trở nên gượng gạo, xấu hổ.

Ông ta nói thêm vài lời tục tĩu mô tả về cơ thể H. rồi mới mở cổng cho cô. Khi vừa đi qua cổng, nữ sinh liền chạy thật nhanh vào phòng trọ để né tránh ông chủ nhà.

H. cho hay, bề ngoài ông chủ trọ luôn tỏ ra là một người rất tốt bụng, lịch sự, được mọi người quý mến. Sau lần đó, H. tránh mặt ông ta và ở thêm một thời gian thì chuyển chỗ trọ khác.

Bị quấy rối, nữ sinh ngại lên tiếng

Cách đây không lâu, nhiều sinh viên Trường Đại học Thương Mại phản ánh tình trạng một số đối tượng thường xuyên xuất hiện gần khu vực cổng trường, tiếp cận nữ sinh, thực hiện hành vi quấy rối.

Nữ sinh viên đi về giữa đêm, chủ nhà trọ đòi đụng chạm mới mở cổng - 2

Không ít nữ sinh gặp tình huống bị kẻ biến thái tấn công (Ảnh chụp từ tư liệu).

Kẻ biến thái nhắm đến những ai đi một mình, đặc biệt là nữ giới. Khi có người đến gần, đối tượng tiếp cận hoặc đuổi theo rồi bắt đầu thực hiện các hành động như kéo khóa quần, thủ dâm hay buông lời khiếm nhã...

Sau khi tiếp nhận phản ánh từ sinh viên, nhà trường đã lập tức tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin. Sau đó, cơ quan công an đã bắt đối tượng có hành vi quấy rối, dâm ô sinh viên trước cổng trường này.

Thậm chí, đã từng xảy ra sự việc "nữ sinh viên ở trong phòng trọ cũng bị hiếp dâm". Có thể kể đến trường hợp nữ sinh viên ở Hà Nội đang nằm trên giường ở phòng trọ nói chuyện điện thoại thì bị kẻ đồi bại N.M.T. xông vào đe dọa.

Sau khi lấy điện thoại, tên này nổi thú tính bắt nữ sinh trùm kín đầu để thực hiện hành vi đồi bại. Sau đó tên này bị khởi tố về tội Cướp tài sản và Hiếp dâm.

Ở Làng đại học ở TPHCM cũng từng xuất hiện kẻ biến thái quấy rối, tấn công sinh viên gây hoang mang, lo lắng.

Theo một khảo sát gần đây của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy hơn 51,8% sinh viên được khảo sát ở cả 3 trường đại học đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.

Trong đó, số sinh viên nữ bị quấy rối tình dục chiếm tỷ lệ cao hơn sinh viên nam ở tất cả các biểu hiện và hình thức quấy rối tình dục khác nhau.

Cụ thể, với các biểu hiện khác nhau của những hình thức quấy rối tình dục được khảo sát (gồm bằng lời nói, bằng hình ảnh, bằng hành vi động chạm trực tiếp, phô dâm,...) số lượng sinh viên nữ báo cáo đã từng bị quấy rối cao hơn hẳn so với sinh viên nam, với tổng số 812/944 sinh viên (chiếm tỉ lệ 86%).

Ở dạng quấy rối tình dục bằng lời nói (như: có những lời tán tỉnh, làm quen, những cử chỉ, nhận xét hoặc trò đùa khêu gợi tình dục khiến bạn cảm thấy khó chịu) có tới 315 sinh viên nữ báo cáo, trong khi số sinh viên nam bị dạng bạo lực này là 23 em.

Với hành vi phô dâm và quấy rối tình dục bằng hình ảnh (như cho xem hoặc gửi cho những hình ảnh, video tình dục mà bạn không muốn xem hoặc không muốn nhận), tỷ lệ sinh viên nữ cũng bị quấy rối cũng cao hơn gấp gần 10 lần so với sinh viên nam.

Trước vấn nạn xâm hại tình dục nhắm vào sinh viên, hiện nay nhiều trường đại học liên tục có các chương trình, chuyên đề, nội dung, hoạt động, bản tin về nội dung nhận diện, phòng tránh và ứng xử khi trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục.

Một số trường còn triển khai quy trình xử lý, tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người học bị quấy rối tình dục.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về giới, khó khăn nhất hiện nay là hầu hết nạn nhân bị xâm hại tình dục vẫn chọn cách im lặng, không dám lên tiếng. Như trường hợp của H., cô biết rõ mình bị ông chủ nhà quấy rối tình dục nhưng không dám lên tiếng, lại thêm tâm lý xấu hổ, ngại ngần.

Tại chương trình "Phòng chống quấy rối tình dục cho sinh viên" do Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức, TS Lê Anh Vũ chia sẻ khảo sát, những khu vực đông sinh viên học tập, các trạm xe bus, ký túc xá, nhà vệ sinh công cộng… ở địa bàn TPHCM là những nơi xuất hiện nhiều hành vi quấy rối tình dục nhắm vào sinh viên.

Khảo sát cũng cho thấy khoảng 1/3 nạn nhân bị quấy rối tình dục chọn cách im lặng.

Trong khi, sinh viên có quyền đề nghị các cấp lãnh đạo ở trường đại học, công ty, ký túc xá phải có những quy định, hành động phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục để có một môi trường sống, học tập và làm việc lành mạnh, an toàn.

Link nội dung: https://loptienganh.edu.vn/hoc-sinh-vao-nha-tro-a66321.html