[Historical Romance Reading] Làm sao để phân biệt các tước hiệu quý tộc?

Nếu các bạn là một fan cứng của Historical Romance, thì chắc chắn không ai còn xa lạ với các tước hiệu của các quý tộc được đề cập đến. Hầu hết các bối cảnh trong Historical Romance đều nằm ở châu Âu, đặc biệt là nước Anh hoặc Scotland, nên trong bài viết này, tôi sẽ tập trung vào các tước hiệu dành cho tầng lớp quý tộc ở Anh và các nước châu Âu.

Nhìn chung thì các tước hiệu quý tộc tại các nước châu Âu không có gì khác nhau, có thể trong nội bộ mỗi nước họ sẽ có những quy định riêng và những luật lệ riêng, nhưng trong nội dung bài viết này, để cho dễ hiểu thì tôi sẽ không đi sâu vào từng quốc gia mà làm gì, chúng ta tìm hiểu cái chung nhất thôi.

Để hiểu về tước hiệu của mấy anh chàng quý tộc trong tiểu thuyết thì các vị có thể nhớ theo trình tự sau: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam - đây là thứ tự của các tước vị được sắp xếp từ cao xuống thấp, và thứ tự này hầu như không hề có sự khác biệt nào ở các nước châu Âu. Và hầu hết các tước vị này đều được trao cho đàn ông, ok, các má biết mà, chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới phủ bóng chế độ phụ hệ, nhưng trong lịch sử không thiếu các nữ quý tộc có tước vị của riêng mình (chứ không cần mang theo tước vị của chồng) và thời hiện đại thì ở châu Âu vẫn còn những Nữ Hầu tước, Nữ Bá tước,…(lưu ý lần nữa là đây là tước vị dành riêng cho họ chứ không phải theo chồng).

[Historical Romance Reading] Làm sao để phân biệt các tước hiệu quý tộc?

Ở hầu hết các nước châu Âu, vai vế trong hoàng tộc và quý tộc sẽ được sắp xếp như sau:

Vua/ Nữ hoàng (King/ Queen) - đây là vị trí của người trực tiếp đứng đầu và lãnh đạo vương quốc. Vào thời mà toàn bộ thế giới vẫn đang trong chế độ quân chủ thì Vua/ Nữ hoàng có quyền lực rất lớn, tuy nhiên, có một số quốc gia theo chế độ quân chủ tuyệt đối (thường là ở các nước quân chủ Hồi giáo) thì quyền lực sẽ tập trung trong tay nhà Vua/ Nữ hoàng, nhưng có một số nước theo chế độ quân chủ đại nghị (như Anh, Hà Lan, Đan Mạch…) thì được đánh giá là dân chủ hơn. Ở thời hiện đại, Vua/ Nữ hoàng hầu như mang vai trò là một biểu tượng quốc gia hơn là những người cầm đầu có thực quyền, trừ một số nước ở khu vực Trung Đông, đạo Hồi, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào châu Âu. Hiện tại, ở châu Âu không có một quốc gia quân chủ chuyên chế nào, tất cả đều là quân chủ lập hiến, quân chủ đại nghị, hay quân chủ cộng hòa, thậm chí có một số nước được coi là dân chủ mặc dù vẫn còn Hoàng gia.

Vợ/ Chồng của Vua/ Nữ Hoàng (King/ Queen Consort) - nhiều tài liệu gọi là Hoàng hậu/ Hoàng thân. Những người này là người hôn phối với Vua/ Nữ Hoàng, góp phần tạo ra người thừa kế của hoàng tộc, họ không đóng vai trò điều hành đất nước mà vai trò của họ thường thuộc về phần ngoại giao, hành chính nhiều hơn. Vợ của Vua thường được gọi là Queen hay đúng hơn là Queen Consort - Hoàng hậu (phân biệt với Queen - Nữ hoàng). Còn chồng của Nữ Hoàng thì chỉ được coi là Prince hay Prince Consort - Hoàng thân.

Hoàng Thái tử/ Hoàng Thái nữ (Crown Prince/ Princess) - những người có danh xưng này cầm chắc sẽ trở thành Vua/ Nữ Hoàng trong tương lai, địa vị cực kì cao quý.

Hoàng tử/ Hoàng nữ (Royal Prince/ Princess) - những người con khác của Vua/ Nữ Hoàng.

Archduke/ Archduchess - Thân Vương - ở phần này, chúng ta bắt đầu đi vào phần các tước hiệu quý tộc. Các thân vương này, hay nói cách khác là tước vị công tước này, là những người quan hệ họ hàng, huyết thống với hoàng gia, nên tước vị của họ là Arch-duke để phân biệt với Duke (công tước được thụ phong).

Nào, xong phần hoàng gia, giờ đến phần Quý tộc.

Công tước (Duke/ Duchess) - đây là tước vị quý tộc cao nhất trong xã hội, quyền lực nhất (tất nhiên là trừ hoàng tộc ra).

Hầu tước (Marquis/ Marchesa, tiếng Anh là Marquess/ Marchioness) - có một số Bá tước được gọi là Bá tước ở vùng biên. Những người này sống ở vùng biên, lãnh địa của họ cũng nằm ở vùng này, tuy nhiên, các vùng biên này thường là nơi để kẻ thù bắt đầu tấn công, xâm lược. Do đó, các bá tước vùng biên thường xây dựng một lực lượng quân đội khá mạnh, các bá tước này cũng cực kì giàu có. Vừa giàu lại vừa có quân đội, họ tất nhiên sẽ phải lãnh luôn cả trách nhiệm bảo vệ cho vùng biên rồi. Cho nên, các bá tước vùng biên thường là những người rất xuất chúng, giàu có, quyền lực, và được trọng vọng hơn các vị bá tước khác. Do đó, tước vị của họ được đứng cao hơn những bá tước khác, hay còn được gọi là marquis, Hầu tước. Thế nên không khó để nhận ra là các anh quý tộc trong truyện mà chúng ta đọc được, thì Hầu tước thường là anh hùng chiến tranh hoặc anh hùng của đất nước.

Bá tước (Count/ Countess/ Earl)­ - đây là lý do tại sao Earl Grey Tea lại được gọi là trà Bá tước J)). Bá tước thường là người cai quản của một vùng, một lãnh địa nào đó.

Tử tước (Viscount/ Viscountess) - ở dưới Bá tước.

Nam tước (Baron/ Baroness) - đây là tước vị thấp nhất trong nấc thang “quyền lực” J)) Nhưng thực chất ra thì tất cả những người mang tước vị bên trên này đều là Nam tước cả. Đó là bởi năm xưa, khi nhà vua có xung đột với các nam tước, họ đã yêu cầu nhà vua kí kết Đại Hiến chương (Magna Carta), Đại Hiến chương này có nội dung nôm na là nó sẽ bảo vệ các quyền chính trị, dân sự của các quý tộc, tóm lại, nhà vua sẽ không có quyền lực tuyệt đối, nói cách khác, ông ta sẽ không có quyền bắt bớ, tống giam các quý tộc…khi ông ta thích thế (đây là điều các vị vua phương Đông hay làm lắm nè), mà phải dựa trên những điều luật, quy định được quy định rõ ràng trong Đại Hiến chương. Đến ngày nay, Đại Hiến chương trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị của nước Anh, mỗi vị vua khi lên ngôi đều phải kí kết một bản Hiến chương của riêng họ, các nhà luật học Anh - Mĩ rất thích nghiên cứu và trích dẫn Hiến chương, Hiến chương trở thành một công cụ đảm bảo các quyền dân sự, chính trị của người dân không bị xâm phạm bởi bất cứ quyền lực nào. Lại quay trở về thời xưa, thì tất nhiên, khi kí kết Đại hiến chương, các ông Công - Hầu - Bá - Tử kia sẽ phải đứng cùng với Nam tước chứ không phải đứng về phía nhà Vua, vì họ đang bảo vệ quyền của mình. Nói tóm lại, Baron là một tước vị dành cho tất cả các quý tộc, phân biệt với Vua, hoàng gia, tất cả các Công tước, Hầu tước, Bá tước kia đều là Nam tước, chỉ là họ không sử dụng tước hiệu này cho mình, bởi vì họ có các tước vị cao hơn và ấn tượng hơn. (Lưu ý: Điều này chỉ tồn tại ở Anh quốc, và nó có thể thay đổi tùy theo quốc gia nha, ở đây mình chỉ nói về Anh vì hầu hết truyện các bạn đọc đều lấy bối cảnh ở Anh hay Scotland cả, tóm gọn là UK).

Ngoài ra, có một số tước hiệu được phong cho một người nào đó khi họ lập được chiến công hay làm được điều gì đó cho đất nước.

[Historical Romance Reading] Làm sao để phân biệt các tước hiệu quý tộc?

Tòng Nam tước (Baronet/ Baronetess) - chế độ này chỉ ở UK mới có, tước vị Tòng Nam tước ám chỉ một vị trí dưới tầng lớp quý tộc.

Hiệp sĩ (Knight/Equerry or Lady/Dame)

Manorial barons/baronessess - từ này được dùng cho những hạ nghị sĩ ở Anh.

Nếu các bạn là fan cứng của historical romance thì các bạn sẽ chỉ cần làm quen với các tước vị từ Công tước cho đến Nam tước là đủ rồi, mỗi tước hiệu sẽ đi kèm với bổng lộc từ triều đình, lãnh địa riêng để cho các Công tước, Bá tước…cai quản - họ được coi là lãnh chúa, vị vua con trong lãnh địa của riêng mình, và phần sự sản riêng cho chính họ. Một người có thể mang nhiều tước nhiều vì anh/ cô ta được thừa kế nhiều tước hiệu, tước hiệu sẽ đi kèm với tất cả tài sản, sự sản gắn liền với nó, kể cả các khoản nợ. Do đó, nhiều khi ta sẽ thấy có những ông quý tộc giàu nứt đổ đổ vách, còn có những ông thì nghèo kiết xác là vì vậy đó.

Ròi, chuyện lảm nhảm hôm nay sẽ tạm dừng ở đây, hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo trong chủ đề Historical Romance Reading.

Tham khảo/ References:

(Click vào các link bên dưới để đọc thêm/ Click the links below to read more)

1/ https://goo.gl/zzhSxG

2/ https://goo.gl/UejzJ7

3/ https://goo.gl/RCv33Z

4/ https://goo.gl/8XVpbD

5/ https://goo.gl/aLfJsu

Link nội dung: https://loptienganh.edu.vn/dai-cong-tuoc-la-gi-a66048.html