Kiểm toán là gì? Quy định về kiểm toán viên hành nghề
Trong bài viết này, FTMS Việt Nam sẽ giới thiệu đến các bạn những thông tin tổng quan nhất về kiểm toán như kiểm toán là gì, các hình thức kiểm toán tài chính, quy trình thực hiện kiểm toán độc lập, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề. Mời các bạn quan tâm cùng tham khảo nhé!
Kiểm toán là gì?
Kiểm toán là hoạt động kiểm tra và xác minh tính trung thực những báo cáo tài chính của một tổ chức, qua đó cung cấp những thông tin chính xác về tình hình tài chính của tổ chức đó. Hay nói một cách khác, kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng liên quan đến thông tin tài chính được trình bày trong báo cáo tài chính (do kế toán thực hiện) nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp của các thông tin đó với các chuẩn mực kế toán đã được thiết lập.
Những người thực hiện công việc kiểm toán là các kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên sẽ sử dụng các phương pháp đối chiếu, diễn giải thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê và thử nghiệm để xác minh tính đúng đắn của tài liệu và tính hợp pháp của các báo cáo tài chính.
Các hình thức kiểm toán tài chính
Căn cứ vào tư cách pháp lý của chủ thể tiến hành kiểm toán và giá trị pháp lý của hoạt động kiểm toán, kiểm toán tài chính được phân thành ba loại, gồm: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ.
Kiểm toán nhà nước hay kiểm toán công là là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán độc lập là hoạt động kiểm toán do các kiểm toán viên độc lập thực hiện theo hợp đồng với tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu kiểm toán hoạt động tài chính của mình. Các doanh nghiệp khi có nhu cầu kiểm toán thì sẽ phải bỏ tiền ra để thuê kiểm toán với chi phí không hề nhỏ. Hoạt động này sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu kiểm toán thẩm định tính đầy đủ, trung thực, hợp lí của số liệu, tài liệu kế toán, và báo cáo tài chính.
Theo Luật Kiểm toán độc lập 2011, kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.
Kiểm toán nội bộ là hoạt động kiểm toán được thực hiện trong phạm vi doanh nghiệp nhằm kiểm tra độ chính xác và minh bạch của hoạt động kế toán trong công ty. Kiểm toán nội bộ làm việc dưới quyền ban giám đốc. Theo Hiệp Hội Kiểm Toán Nội Bộ Hoa Kỳ IIA (The Institute of Internal Auditors), kiểm toán nội bộ là một hoạt động đảm bảo và tư vấn độc lập, khách quan được thiết kế nhằm gia tăng và cải thiện các hoạt động trong một tổ chức. Kiểm toán nội bộ góp phần giúp tổ chức đạt được các mục tiêu của mình bằng việc áp dụng các phương pháp tiếp cận mang tính nguyên tắc và hệ thống nhằm đánh giá, nâng cao hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị.
Quy trình thực hiện kiểm toán độc lập
Theo quy định tại điều 45 Luật Kiểm toán độc lập 2011, quy trình kiểm toán độc lập sẽ bao gồm ba bước như sau:
- Bước 1: Chấp nhận, duy trì khách hàng và lập kế hoạch kiểm toán.
- Bước 2: Thực hiện kiểm toán.
- Bước 3: Kết thúc kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán và xử lý sau kiểm toán.
Quy định về kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề
Theo Luật Kiểm toán độc lập 2011, kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam. Kiểm toán viên hành nghề là kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
Tiêu chuẩn của kiểm toán viên
Theo điều 14, Luật Kiểm toán độc lập 2011, kiểm toán viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây.
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính.
- Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.
Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có đủ các tiêu chuẩn theo quy định thì được công nhận là kiểm toán viên.
Tiêu chuẩn của kiểm toán viên hành nghề
Người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:
- Là kiểm toán viên.
- Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên.
- Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.
Người có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập 2011 thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.
Quyền của kiểm toán viên hành nghề
Theo quy định tại Điều 17, Luật Kiểm toán độc lập, khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các quyền sau đây:
- Hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập 2011.
- Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ.
- Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.
- Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề
Khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập.
- Không can thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán.
- Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Từ chối thực hiện kiểm toán trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật.
- Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm.
- Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp.
- Thực hiện kiểm toán, soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình.
- Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật của nước sở tại trong trường hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài.
- Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.