Bắc ngang qua dòng sông Hương thơ mộng, cầu Tràng Tiền với niên đại hơn 100 năm, cùng kiến trúc độc đáo, gắn liền với lịch sử phát triển của mảnh đất nơi đây, khiến nó từ lâu đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân xứ Huế.
Sông Hương, Núi Ngự từ lâu đã gắn liền với cuộc sống người dân xứ Huế, những cảnh đẹp này còn đi vào thơ ca, nhạc họa của những người yêu mến mảnh đất này. Nhưng bên cạnh đó, thì cầu Tràng Tiền cũng là một biểu tượng mang tính đặc trưng không kém ở Huế. Người dân xứ Huế thường có câu: “Tràng Tiền là chiếc cầu định mệnh của Huế. Tới Huế mà không lên cầu thì chưa coi là tới Huế, đó mới chỉ là tạt qua Huế mà thôi…” Quả thật, đối với người dân nơi đây thì Huế dù có sở hữu rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo, hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng thế giới thì cây cầu này vẫn luôn là niềm tự hào, một biểu tượng tiêu biểu.
Với vẻ đẹp bình dị, mềm mại, nhẹ nhàng, … đúng như tính cách của những người dân xứ Huế, cầu Tràng Tiền vì thế luôn tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người dân hay du khách tìm tới tham quan nơi này. Hình ảnh cầu Tràng Tiền cổ kính trầm mặc soi bóng trên dòng Hương Giang đã khiến không ít người phải mê mẩn khi đứng trước vẻ đẹp đó.
Ta có thể nhận thấy ngay cầu Tràng Tiền cũng có rất nhiều điểm tương đồng với cây cầu Long Biên tại Hà Nội. Cả hai đều bắc qua những dòng sông lớn, đều được xây dựng sát kinh thành, và đều là những cây cầu mang tính huyết mạch của thành phố. Vào khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, cầu Tràng Tiền được khởi công xây dựng, ở thời điểm đó thì đây là cây cầu đầu tiên có mặt ở khu vực Đông Dương. Với thiết kế, kỹ thuật cũng như vật liệu đều tới từ phương Tây, cây cầu thép này sở hữu chiều dài là 402,60 mét, với tổng là 6 nhịp dầm thép hình vành, mỗi nhịp dài 67 mét, khổ cầu rộng 6 mét, với kiến trúc Gô tích, bắc ngang qua đôi bờ sông Hương.
Một đầu cầu là phường Phú Hội đầu bên kia là phường Phú Hòa. Hình ảnh cây cầu đã phai màu vì thời gian in bóng xuống dòng sông, những cánh phượng đỏ rực đôi bờ sông Hương, tà áo dài của người con gái xứ Huế thướt tha trong gió, hay khung cảnh lung linh sắc màu của cầu Tràng Tiền về đêm, … sẽ luôn là những hình ảnh đẹp, thơ mộng, đi sâu vào lòng người.
Với niên đại hơn 100 năm, cây cầu này đã đi qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm cùng mảnh đất nơi đây. Ở thời điểm cây cầu mới được hoàn thiện và đưa vào hoạt động, nó như một minh chứng khiến chính quyền thực dân không khỏi hãnh diện tự hào về kỹ thuật xây dựng tân tiến hiện đại của Phương Tây, đến mức Viên toàn quyền Đông Dương lúc đó còn tự tin tuyên bố: “Khi nào cầu sập thì Pháp sẽ trả độc lập cho nước Nam”. Nhưng thật bất ngờ, chỉ sau 5 năm đi vào hoạt động cây cầu này đã bị xô đổ bởi một trận bão lớn năm 1904. Cầu Tràng Tiền có tổng cộng 6 nhịp thì có 4 nhịp bị đổ sập xuống lòng sông. Mãi tới năm 1906 nó mới được sửa chữa, trùng tu. Thay vì làm bằng gỗ, nay mặt cầu đã được đổ bê tông vững chắc.
Dưới thời vua Bảo Đại, năm 1937, cầu Tràng Tiền Huế tiếp tục được tu sửa và có những thay đổi đáng kể. Lòng cầu được mở rộng với hai bên là lối đi cho xe đạp và người đi bộ. Ở vị trí chính giữa có phần ban công được làm phình ra, mục đích làm nơi tránh nhau, nghỉ chân, hay ngắm cảnh cho mọi người. Đến năm 1946, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hai đầu cầu đã bị tàn phá nặng nề, sau đó được sửa tạm để để duy trì giao thông của hai đầu sông Hương. Năm 1953 thì cầu chính thức được sửa lại với nguyên trạng như cũ.
Nhưng đến năm 1968, thời điểm điểm diễn ra cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân, cầu Tràng Tiền Huế lại một lần nữa đổ sập, để không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, một chiếc cầu phao thay thế đã được dựng lên, sau đó mới tiếp tục đi vào tu sửa cầu. Sau giải phóng, năm 1991 cầu Tràng Tiền được sửa chữa, trùng tu một lần nữa. Lần trùng tu này kéo dài trong 5 năm, do Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhiệm. Và lần này cây cầu có khá nhiều thay đổi quan trọng. Hai phần ban công được loại bỏ, lối thông xe cũng bị thu hẹp do ghép thêm hai ống nẹp ở hai bên lan can. Trước cầu được sơn màu ghi xám nhưng nay chuyển sang sơn màu nhũ bạc.
Cũng trong lần trùng tu này cây cầu được chính thức đổi tên thành cầu Tràng Tiền, thay vì cầu Trường Tiền như trước. Năm 2002 diễn ra Festival Huế, cầu Tràng Tiền được lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng có thể thay đổi màu sắc càng khiến cây cầu này trở nên nổi bật hơn.
Đến nay, cầu Tràng Tiền không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch nối liền đôi bờ sông Hương mà nó còn trở thành một trong những biểu tượng, điểm đến hấp dẫn du khách. Vậy nên, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm cây cầu nổi tiếng này khi đi du lịch tại Huế.
Xem thêm:
- Cầu ngói Thanh Toàn “kiến trúc cổ” vô cùng độc đáo tại Huế
- Khám phá tuyệt tác kiến trúc độc đáo lăng Khải Định