Bề dày lịch sử-văn hóa
Khái niệm “khu phố cổ Hà Nội” trong bài viết này dùng để chỉ khu vực buôn bán sầm uất thuộc quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) hiện nay.
Từ thời Lý qua các thời Trần, Lê sơ, đây là phần quan trọng của Kinh đô Thăng Long, tạo nên các phố phường (61 phường thời Trần). Từ năm Quang Thuận 10 (Kỷ Sửu, 1469) trở thành huyện Vĩnh Xương, cùng với huyện Quảng Đức (nay là quận Ba Đình và một phần quận Tây Hồ) hợp thành phủ Phụng Thiên, tức Kinh đô Thăng Long với 36 phường (mỗi huyện có 18 phường, song số phường không ổn định giữa các thời Mạc, Lê-Trịnh). Đầu thời Nguyễn, năm 1805, huyện Vĩnh Xương đổi thành Thọ Xương, gồm 8 tổng, thuộc phủ Hoài Đức. Thời cận đại (năm 1884-1945), huyện Thọ Xương được chia thành 19 khu phố, thuộc TP Hà Nội. Sau hòa bình lập lại (năm 1954), khu vực phố cổ nằm trong đơn vị hành chính là khu phố Hoàn Kiếm. Tháng 5-1961, Thủ đô được tổ chức lại, gồm 4 khu phố ở nội thành và 4 huyện ở ngoại thành; khu phố Hoàn Kiếm về cơ bản ổn định như ngày nay, trong đó, có phần quan trọng là khu vực phố cổ (năm 1981 là quận Hoàn Kiếm).
Suốt chiều dài lịch sử đất nước, khu vực phố cổ Hà Nội có vị trí rất trọng yếu trên nhiều mặt, tạo nên bề dày truyền thống lịch sử-văn hóa mà các dấu ấn vẫn hiển hiện đến hôm nay.
Trước hết, nói đến khu dân cư phố cổ (có người gọi là “phố cũ”) phải nói đến vai trò quan trọng về kinh tế của Thăng Long thời trung đại, Hà Nội thời cận đại và ngày nay. Đây là khu vực người của các làng quê thuộc “tứ trấn Thăng Long” cư tụ, sống chủ yếu bằng buôn bán kết hợp với làm các nghề thủ công, tạo ra hàng loạt các phố mang tên “Hàng”, mỗi “Hàng” kinh doanh hoặc sản xuất một mặt hàng, sản phẩm riêng, rất đặc trưng, như các “Hàng” chuyên về đồ lương thực, thực phẩm (Hàng Gạo, Hàng Khoai, Hàng Thịt, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Rươi, Hàng Gà, Hàng Hành...); các “Hàng” chuyên về đồ gia dụng thường ngày (Hàng Chiếu, Hàng Cót, Hàng Bồ, Hàng Điếu, Hàng Thùng, Hàng Quạt) hoặc các nguyên vật liệu cho đời sống (Hàng Tre, Hàng Than...); các “Hàng” phục vụ việc may mặc (Hàng Chỉ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Vải...); các “Hàng” phục vụ học hành (Hàng Giấy, Hàng Bút); các “Hàng” phục vụ trò chơi và đời sống tâm linh (Hàng Mã, Hàng Trống...). Rồi còn các “Hàng” với những sản phẩm cao cấp (Hàng Bạc, Hàng Khay...) và nhiều "Hàng" khác nữa.
Các khu phố cổ này phản ánh đặc điểm kinh tế-xã hội của Thăng Long-Hà Nội qua từng thời kỳ lịch sử, với đặc trưng xuyên suốt là cửa hàng gắn với cửa hiệu, phố kết hợp với chợ, với phường hội; người ở các nơi mang những lối sống, phong tục khác nhau về hội tụ, qua thời gian chắt gạn để tạo thành “người Thăng Long, người Hà Nội”, lối sống “Kẻ Chợ” thanh lịch, phong cách giao tiếp nhẹ nhàng, tinh tế. Những đặc trưng trên đây được người Pháp rất chú ý bảo tồn, nên trong mấy chục năm cai trị, họ không có các biện pháp can thiệp làm mất đi tính nguyên bản của nó. Ngược lại, các chính sách phát triển với mục đích khai thác và bóc lột của thực dân Pháp vô hình trung đã tạo ra những tiền đề khách quan, để người Hà Nội năng động, nhạy bén, làm giàu, từ đó có điều kiện cải thiện nơi ở của mình, làm xuất hiện những ngôi nhà Tây hiện đại, kết hợp với phong cách kiến trúc Việt, cùng với các cửa hàng, cửa hiệu được mở rộng khang trang, khách bán-mua tấp nập, tôn thêm vẻ đẹp phố phường, trở thành di sản quý mà ngày nay được quy hoạch, bảo tồn để phát triển du lịch. Có thể nói, khu phố cổ tạo ra những nét riêng biệt về văn hóa mưu sinh so với các địa phương khác; là điểm nhấn kinh tế, tạo ra nguồn thu lớn cho Thăng Long-Hà Nội qua tất cả các thời kỳ.
Thứ hai, suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhờ điều kiện kinh tế khấm khá, các thế hệ cư dân khu vực phố cổ đã đồng lòng góp sức, dựng nên một hệ thống các công trình kiến trúc, văn hóa có giá trị. Trước hết phải kể đến các ngôi đình thờ các vị tổ nghề (có thể thờ thêm các vị thần khác), mà tiêu biểu là đình Trương Thị (phường Hàng Bạc) thờ thần Hiên Viên-ông tổ bách nghệ của cả Thăng Long-Hà Nội; đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc) thờ tổ nghề làm bạc, cũng là nơi đổi tiền; đình Đông Thành (phố Hàng Vải) và đình Đồng Lạc (phố Hàng Đào) thờ tổ nghề nhuộm; đình Lò Rèn thờ tổ nghề rèn; đình Trúc Lâm thờ tổ nghề da; đình Hài Tượng thờ tổ nghề giày; đình Hàng Quạt (Xuân Phiến thị) thờ tổ nghề quạt...
Di tích Ô Quan Chưởng-một trong những dấu ấn của Kinh thành Thăng Long xưa còn lại ở nội thành Hà Nội hiện nay.
Ảnh: HOÀNG VIỆT
Khu phố cổ còn rất nhiều ngôi đền thờ các thần khác nhau, các quán của đạo giáo và chiếm số đông là các ngôi chùa, trong đó, có nhiều chùa được xây từ thời Lý, như: Chùa Bà Đá, chùa Lý Quốc Sư (phố Lý Quốc Sư), chùa Kim Cổ (phố Đường Thành), chùa Thái Cam (phố Hàng Vải), chùa Huyền Thiên (phố Hàng Khoai)... Các đình, chùa, đền, miếu không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của mọi tầng lớp cư dân, mà còn chứa đựng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật các thời rất rõ nét, phản ánh lịch sử cư dân, tổ chức xã hội và mối quan hệ xã hội của các cộng đồng cư dân ứng với cơ sở kinh tế-xã hội ở một đô thị lớn nhất nước qua từng thời kỳ.
Thời Pháp thuộc, diện tích quận Hoàn Kiếm ngày nay chiếm phần lớn TP Hà Nội. Những con phố được người Pháp quy hoạch đồng đều, vuông vức, biến một vùng đô thị còn đầy dấu ấn nông thôn thành các khu phố tương đối hiện đại, nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính, với các đình, chùa, đền, miếu phô lộ bên đường phố, hoặc ẩn trong các ngõ. Những cư dân sống ở các con phố đó sau bao căng thẳng, mệt mỏi của một ngày mưu sinh tìm thấy ở các di tích đó sự tĩnh lặng, bình thản, để lấy lại trạng thái bình tâm, vững tin cho một ngày mưu sinh mới. Còn những du khách, người các nơi mỗi khi đến với khu phố cổ thì cảm nhận được sự thú vị của những nét văn hóa cổ truyền trong lòng phố phường hiện đại. Đến nay, khu phố cổ là một hệ thống gồm 78 tuyến phố, 121 di tích với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, cùng hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt, với những mái ngói, bức tường nhuốm màu thời gian, phố phường luôn nhộn nhịp, là nét đặc trưng mà hiếm thủ đô nào có được.
Thách thức bảo tồn
Trải qua hàng thế kỷ chịu tác động của đô thị hóa, nhất là từ năm 1986 trở đi, cùng những tác động của khí hậu, thời tiết, của chiến tranh và sự vô thức của con người, khu phố cổ đã và đang chịu những mất mát lớn.
Do không sớm có chiến lược bảo tồn, do công tác tuyên truyền không được chú trọng và tiến hành thường xuyên mà một bộ phận đông cư dân khu phố cổ không hiểu rõ các giá trị văn hóa trên mảnh đất, con phố mình đang sống nên không ý thức được việc gìn giữ các giá trị ấy, có những hành vi xâm hại. Một bộ phận tuy hiểu được các giá trị văn hóa, nhất là của những di tích, nhưng lại bị “đè nặng” bởi quan niệm “ưu tiên cho kinh tế”. Mặt khác, ở các con phố buôn bán sầm uất, một mét vuông cũng có thể kinh doanh “hái ra tiền”, tấc đất có giá hơn nhiều tấc vàng, nên không ngần ngại xâm lấn di tích. Hậu quả của các nhận thức, hành vi trên là nhiều đình chùa, đền miếu ở phố cổ vốn có diện tích khiêm tốn, bị lấn chiếm nghiêm trọng, một số di tích còn có hộ dân sinh sống từ vài chục năm; rất khó di dời. Ngoài cổng thường là cảnh người, hàng hóa nhộn nhịp, người xe ồn ào, huyên náo, làm mất vẻ tôn nghiêm. Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng. Các giá trị văn hóa phi vật thể cũng đang bị mai một. Đặc biệt, một trong những giá trị cốt lõi trong văn hóa Hà Nội là văn hóa ứng xử với đặc trưng là thanh lịch, nhẹ nhàng, tinh tế, cả lối sống của văn minh đô thị đang bị tấn công dữ dội, trước các “dạng” văn hóa xô bồ, chụp giựt, tùy tiện, vụ lợi, bất chấp pháp luật, coi thường đạo lý của một bộ phận cư dân, trước làn sóng dân từ khắp nơi về Hà Nội làm ăn, sinh sống, cùng sự xâm nhập của lối sống ngoại lai.
Mùa sen. Ảnh: LÊ BÍCH
Vài ý kiến cho việc bảo tồn và phát huy
Thực trạng buồn về sự xuống cấp của khu phố cổ đặt ra vấn đề cần xem lại quy hoạch tổng thể và chi tiết cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa (các di tích, các lễ thức, các hoạt động văn hóa truyền thống); tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên cả hệ thống. Đã đến lúc cần phải số hóa hệ thống các di tích để tra cứu dễ dàng trên mạng, để kết nối thành tour tuyến du lịch một cách thuận tiện. Từng di tích, bất kể đã được hay chưa được xếp hạng, cần có bảng giới thiệu (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) ngắn gọn, súc tích về lịch sử và những giá trị của chúng để du khách biết. Cần có kế hoạch tiếp tục ưu tiên đầu tư để trùng tu các di tích có giá trị .
Vấn đề quản lý trật tự đô thị, bảo đảm vỉa hè thông thoáng, bố trí điểm dừng đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường đường phố, quản lý rác thải, an toàn thực phẩm, ngăn chặn các đối tượng xấu lừa đảo, chèo kéo, "chặt chém" du khách... cần được tăng cường, để bảo đảm thông điệp hình ảnh văn hóa, an toàn, thân thiện tới du khách.
PGS, TS BÙI XUÂN ĐÍNH