TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhiều ngôi chùa cổ không chỉ có kiến trúc đặc sắc mà còn sở hữu những pho tượng đặc biệt. Mỗi bức tượng của các chùa này đều ẩn giấu những câu chuyện, giá trị văn hóa tâm linh riêng.
Chùa Phật Cô Đơn.“Đức Phật cô đơn”
Tọa lạc trong khu đất có diện tích rộng lớn, bài trí nhiều cây xanh, tiểu cảnh xanh mát, chùa Phật Cô Đơn (tên chính thống là Bát Bửu Phật Đài hay chùa Thanh Tâm, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nổi tiếng linh thiêng.
Hiện nay, ngôi chùa cũ không chỉ là nơi để Phật tử, người dân chiêm bái, cầu nguyện. Nơi đây còn là địa điểm tham quan nổi tiếng của TP.HCM. Ngoài có cảnh quan yên bình, xanh mát, kiến trúc tráng lệ, chùa thu hút khách thập phương bởi sở hữu tượng “Phật cô đơn”.
Theo các tư liệu của chùa, tên gọi này xuất phát từ việc người dân phát hiện bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có kích thước lớn trơ trọi giữa vùng đất hoang tàn vào những năm 1976. Xuất xứ của pho tượng cũng có nhiều thông tin li kì.
Chùa có không gian xanh mát với nhiều tiểu cảnh đẹp mắt.Trước đây, bức tượng trên nằm trong khuôn viên chùa Thanh Tâm. Năm 1956, cư sĩ Lê Chí Bình, pháp danh Thiện Bảo phát tâm cúng dường khoảng 30ha đất gia đình để xây dựng chùa Thanh Tâm.
Sau đó, ông có ý định đúc tượng Phật để thờ trong khuôn viên chùa. Tháng 9/1957, ông được chùa Xá Lợi (chùa Phật học Xá Lợi ngày nay) hiến tặng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có kích thước lớn.
Bức tượng này cao 4,80m, chiều ngang hai gối 4m, nặng khoảng 4 tấn. Toàn bộ tượng được đặt trên đài sen cao 1,20m. Lúc bấy giờ, việc thỉnh tượng Phật từ chùa Xá Lợi về chùa Thanh Tâm gặp rất nhiều khó khăn.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được người dân đặt tên là tượng "Phật cô đơn" vào năm 1976.Do có kích thước lớn, trọng lượng nặng, mọi người không thể di chuyển tượng ra khỏi cửa ở tầng lầu chùa Xá Lợi. Để có thể thỉnh tượng về chùa, ông Bình làm lễ, xin được chia tượng thành 2 phần.
Ông Bình để lại nguyên vẹn phần thân trên của bức tượng. Thân dưới của tượng, ông cho người chia làm 41 phần, mỗi phần có độ lớn, trọng lượng đủ để 2 người khiêng. Sau đó, ông khởi công xây dựng đài bát giác, cách chùa Thanh Tâm khoảng 100m làm nơi bài trí tượng Phật.
Cách đây nhiều năm, vì chiến tranh, tượng trơ trọi giữa đồng vắng.Các tài liệu của chùa ghi nhận, việc xây dựng đài bát giác hay còn gọi là Bát Bửu Phật Đài kéo dài từ năm 1959 đến năm 1961 mới hoàn thành. Phật đài cao 3m, xung quanh có 4 cầu thang với 21 bậc.
Tháng 3/1961, ông Bình cho người ráp nối các phần của bức tượng lại như lúc ban đầu. Tháng 8 cùng năm, chùa Thanh Tâm làm lễ an vị tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đã được ráp nối hoàn thiện trên Bát Bửu Phật Đài.
Linh thiêng
Lúc bấy giờ, Phật đài cùng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao lớn sừng sững trở thành biểu tượng tâm linh, thu hút nhiều Phật tử đến chiêm bái. Tuy nhiên sau đó khói lửa bom đạn chiến tranh đã tàn phá vùng đất có chùa tồn tại.
Đặc biệt, tháng 2/1965, Bát Bửu Phật Đài trúng trái sáng từ máy bay ném bom dẫn đến bị cháy rụi phần mái lợp bằng cỏ tranh. 9 tháng sau, chùa Thanh Tâm cũng bị trúng bom, sập nát hoàn toàn.
Nay tượng được an vị trên đài cao, khang trang trước chính điện của chùa Thanh Tâm.Sau nhiều năm tháng bị chiến tranh tàn phá, vắng bóng người qua lại, Bát Bửu Phật Đài hoang phế, um tùm cỏ dại. Các công trình của chùa Thanh Tâm cũng bị bom đạn san phẳng, không còn dấu vết.
Tuy vậy, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn sừng sững, tọa thiền trên đài sen giữa vùng đất bị bom đạn cày xới, mọc đầy cỏ hoang. Lúc này, trên thân tượng phật có nhiều lỗ do trúng đạn. Tuy vậy, súng đạn không làm hư hại cũng như ảnh hưởng đến thần thái của bức tượng.
Khuôn viên chùa có nhiều tượng kích thước lớn khác.Sau này, khi được trở lại vùng đất cũ, ông Bình cho người trám lại các vết thủng do đạn gây ra trên thân tượng. Năm 1976, đoàn thanh niên xung phong đến khu vực có chùa Thanh Tâm để đào kênh thông nước xả phèn.
Tại đây, nhiều người phát hiện tượng Phật Thích Ca Mâu Ni sừng sững giữa cánh đồng hoang. Thấy tượng trơ trọi nơi đồng vắng, không người hương khói, những người này đặt tên cho tượng Phật này là tượng “Phật cô đơn”. Tên gọi này được lưu truyền từ đó đến bây giờ.
Sự việc tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn tồn tại nguyên vẹn trong vùng đất bị bom đạn bị cày xới trơ trụi khiến Phật tử, người dân tin tượng rất linh thiêng. Sau đó, tượng Phật cô đơn được đông đảo Phật tử, người dân đến chiêm bái.
Khu nội viện của chùa.Năm 1988, Bát Bửu Phật Đài được chỉnh trang. Cùng năm, chùa xây dựng nhiều công trình như: Nhà tiếp khách, phòng phát hành kinh sách, cổng tam quan… Năm 2017, chùa được xây lại toàn bộ và lấy lại tên Thanh Tâm như lúc trước.
Sau đợt trùng tu này, các công trình tại chùa Thanh Tâm đều tráng lệ, có kiến trúc đẹp mắt. Khuôn viên chùa trồng, bài trí nhiều cây xanh, tiểu cảnh. Nơi đây cũng bài trí nhiều tượng phật có kích thước lớn, nhỏ được tạo tác tinh xảo, đẹp như những tác phẩm nghệ thuật.
Mỗi ngày, chùa đón nhiều lượt khách thập phương, Phật tử và ni sư đến chiêm bái, tu học.Tuy nhiên nổi bật và được chú ý hơn cả vẫn là tượng Phật cô đơn có từ hơn 60 năm trước. Tượng được bài trí trên đài cao. Phía dưới tượng là chánh điện của chùa Thanh Tâm.
Phía trước chánh điện, chùa bài trí tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao lớn. Ngoài ra, chùa có nội viện nằm ở 2 bên chính điện. Đây là nơi dành cho các ni sư tu tập.