Tiền bạc thường được xem là một chủ đề nhạy cảm đối với nhiều đôi yêu nhau. Theo khảo sát vào năm 2021 của Fidelity, cứ 5 đôi lại có 1 xem tài chính là thử thách lớn nhất của mối quan hệ.
Policygenius từng khảo sát 1.526 người trưởng thành và phát hiện 30% không biết thu nhập của người mình đang hẹn hò.
Ở giai đoạn tìm hiểu, việc không đề cập đến tài chính có thể không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, khi hai người gắn kết hơn, sự chia sẻ minh bạch là việc tất yếu, như kết luận của Fidelity rằng "giao tiếp là chìa khóa quyết định thành công tài chính ở cặp đôi".
Mở đầu một cách khéo léo
Tài chính không còn là giới hạn khi hẹn hò
Yêu đương là đề tài lãng mạn trong khi tiền bạc lại mang tính thực tế. Hai điều này thường khó đi đôi. Vì vậy, không khó hiểu vì sao nhiều cặp đôi gặp khó khăn trong giao tiếp về tài chính.
Ngoài ra, văn hóa và cách giáo dục cũng tác động đến tư duy tài chính của mỗi người. Một người lớn lên trong môi trường xem tiền bạc là chủ đề tế nhị thì thường có xu hướng né tránh nói về nó.
Dù vậy, tôi luôn giữ vững quan điểm rằng vấn đề tài chính cần được thảo luận và giữ minh bạch trong tất cả mối quan hệ, bao gồm bạn bè, công việc, hẹn hò và hôn nhân gia đình. Bởi đây là yếu tố tiên quyết đem đến sự kết nối lâu dài.
Ở thế hệ của bố mẹ tôi, chẳng ai nói về tài chính cả. Từ thế hệ tôi trở về sau, tư duy của các bạn ngày càng mở hơn.
Nếu cả hai cùng bỏ thời gian, công sức cho mối quan hệ đó, thì chuyện tài chính cũng nên được “chia đôi” tương tự. Tất nhiên, đôi bên cần học cách ứng xử khéo léo và cân đối để không chạm đến tự ái của đối phương.
Cách bắt đầu chia sẻ về tiền bạc
Không có một phương pháp nào có thể áp dụng cho tất cả. Song, tôi cho rằng mọi thứ đều bắt nguồn từ sự trung thực (honesty). Đôi bên phải thật sự chân thành và thấu hiểu nhau mới có thể thoải mái trong việc phân chia tiêu xài.
Trong buổi hẹn hò, khi bạn nam đã chi trả vé xem phim và bữa chính, bạn nữ có thể chủ động trả tiền nước uống, tráng miệng hoặc ngược lại. Ai là người có thu nhập tốt hơn có thể giành trả phần nhiều hơn. Mục đích không phải để tỏ ra mình dư dả, nhưng là để cuộc hẹn được vui vẻ và người kia không ngại ngùng.
Xuất phát từ những chân thành nhỏ như vậy, dần dần tài chính sẽ không còn là vấn đề tế nhị nữa mà trở thành chủ đề hai người có thể chia sẻ với nhau.
Thực hành nói chuyện tài chính
Quan sát và mở lời
Lúc đang yêu là cơ hội tốt để người trẻ chuẩn bị tâm lý và thực hành chia sẻ tài chính, vì bước vào hôn nhân thì chuyện quản lý tiền bạc sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Khi tôi hẹn hò với bạn trai, hiện tại là chồng của tôi, tôi đã thẳng thắn chia sẻ mức thu nhập của mình và hỏi về lương của anh. Câu đầu tiên rất khó nói, nhưng đây là tiền đề để vợ chồng san sẻ các gánh nặng tài chính cho nhau sau này.
Bạn cũng có thể chuẩn bị tâm lý thông qua việc quan sát cách đối phương tiêu xài và giải quyết vấn đề tiền bạc, nhưng quan điểm của tôi là nên có sự trao đổi để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Đi từ việc nhỏ đến việc lớn
Lương và kỳ vọng ở tương lai là hai trong số chủ đề nên được làm rõ khi hẹn hò. Song song đó là cách quản lý tài chính cá nhân, các khoản đầu tư và tiết kiệm, người phụ thuộc, kế hoạch hưu trí,...
Một số người chỉ cần làm công ăn lương đủ sống cả đời, trong khi số khác lại muốn đạt tự do tài chính và giàu có. Những cuộc trò chuyện sẽ giúp bạn xác định cả hai có đang cùng nhìn về một hướng hay không. Nếu có, hai người sẽ làm gì để hỗ trợ nhau, và nếu không, làm gì để dung hòa.
Những cặp đôi đã xác định tiến tới hôn nhân có thể bàn luận về kế hoạch mua nhà, quỹ riêng, quỹ chung, tài chính cho con cái, bảo hiểm,... Bên cạnh đó, tình trạng nợ nần của mỗi người cũng là vấn đề phải đối diện.
Lời khuyên của tôi là khi đang yêu, các cặp đôi hãy tập chia sẻ chủ đề nhỏ trước, như việc hỏi thăm nửa kia đang có dự định đầu tư gì, đã biết lập ngân sách tài chính cá nhân hay chưa,... để tới khi cần nói chuyện lớn không “ngại miệng”.
Minh bạch ngay từ khi mới yêu
Học cách dung hòa
Mọi người hay nhìn nhận sự khác biệt là vấn đề cần giải quyết mà quên rằng hai người giống nhau quá cũng xảy ra rắc rối không ít. Hãy thử tưởng tượng một cặp đôi tiêu xài phóng tay, không có kế hoạch và nợ nần chồng chất. Bạn sẽ hiểu điều tôi đang nói.
Quay về nguyên tắc chân thành, tôi nghĩ không có cách dung hòa nào tốt hơn là hai người thẳng thắn ngồi xuống trò chuyện với nhau và thống nhất quan điểm.
Suốt 20 năm chung sống, tôi và chồng luôn có một cuộc hẹn hàng tháng để lên ngân sách chi tiêu cho gia đình. Mỗi khi có vấn đề về tiền bạc, chúng tôi nói với nhau thay vì tự tìm cách giải quyết. Đơn giản vì chúng tôi là một đội, và người này hiểu rằng từng quyết định của mình đều ảnh hưởng đến người kia.
Đề cập tài chính ngay từ đầu
Với những mối quan hệ nghiêm túc, tôi quan niệm nên chia sẻ càng sớm càng tốt vì đây là cơ hội để đôi bên hiểu nhau và có kết nối sâu sắc hơn. Ngoài ra, nói chuyện với nhau sớm nghĩa là cặp đôi có thời gian để mài giũa cho “khớp”.
Tôi hay tư vấn các bạn trẻ rằng cứ suy nghĩ thật nhẹ nhàng thôi. Đừng biến tài chính thành taboo (điều cấm kỵ) và cũng đừng để nó diễn ra như một màn tra khảo.
Dù thói quen tiêu dùng của bạn thế nào, khi ở trong một mối quan hệ, bạn nên có trách nhiệm với người mình yêu, và chia sẻ là cách thể hiện trách nhiệm đó.