Bí quyết luộc vịt được mềm ngon, không bị hôi lông
Thịt vịt thanh mát, thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng vịt luộc vẫn là món được lòng người thưởng thức nhất bởi món ăn nhẹ nhàng, không cầu kì, không có nhiều dầu mỡ và dễ ăn. Tuy nhiên, mỗi khi tiến hành luộc thịt vịt, nhiều mẹ nội trợ lại không thể làm bay hết mùi tanh khó chịu mỗi khi luộc vì lông vịt sau khi nhổ sẽ tiết ra một mùi khá hôi khiến thịt luộc cũng bị ám mùi hương này. Để có thể giúp vịt có được vị thơm lừng, không còn tỏa mùi khó chịu nữa, chị em nên lưu ý và áp dụng ngay cách luộc này nha.
Vịt nấu chao hấp dẫn!
1. Cách chọn vịt ngon
- Thịt vịt dùng để luộc không nên chọn những con quá béo, khi ăn sẽ rất ngậy mỡ dễ gây ngán. Không nên chọn vịt quá già, lúc luộc thịt sẽ bị dai, ăn không ngon, đặc điểm để bạn nhận diện chính là chúng có mỏ nhỏ và cứng. Thêm nữa, nếu bạn chọn phải vịt đang thay lông sẽ rất vất vả trong khâu làm sạch lông vịt đấy (nếu chỗ bán có làm sẵn cho mình thì về nhà bạn vẫn cần phải sơ chế lại để đảm bảo không còn sót lông).
- Đồng thời cũng không nên chọn những con vịt còn quá non, thịt dễ bị nhão sau khi luộc, mà nó cũng không được săn chắc, tốn thời gian làm sạch. Mỏ của chúng sẽ to và mềm hơn rất nhiều so với vịt trưởng thành.
- Tốt nhất để thịt luộc được ngon nên chọn con nặng ký đã trưởng thành, bóp thử có cảm giác chắc thịt, sờ vào cảm nhận được lông mượt và mỏ của nó không quá to hay quá nhỏ, có độ vừa phải. Nhìn vào thấy được da cổ và da bụng dày, ức tròn, lông đã mọc đầy đủ.
2. Làm sạch lông và sơ chế vịt
- Nếu bạn mua vịt đã được làm chỗ bán làm sạch tất cả thì khi về bạn chỉ cần sơ chế lại một lần nữa cho hết lông còn sót vì chưa hẳn người bán đã làm thật kĩ cho bạn.
- Còn nếu bạn mua vịt nguyên con và còn nguyên lông, chưa cắt tiết thì đầu tiên bạn nên cắt tiết để lấy hết phần máu vịt ra. Khâu này chị em nào sợ có thể nhờ cánh đàn ông làm giúp mình nhé và nhớ là để cho máu chảy hết ra nha.
- Tiếp đến chúng ta cần nhổ sạch lông vịt. Cho vịt đã cắt tiết vào một thau lớn, chế nước sôi vừa nấu vào, lật qua lật lại cho nước thấm đều vào da vịt. Dùng tay nhổ từng lớp lông dài, sau đó dùng nhíp để nhổ hết những sợi lông nhỏ, cứng, bám dai trên da. Một điều cần lưu ý là bạn nên nặn hết phần máu đen ở lỗ chân lông vì chúng cũng là nguyên nhân khiến cho thịt vịt bị hôi đấy.
- Bạn nên làm sạch phần hậu môn, loại bỏ hết tĩ (phần màu vàng còn dính lại sau khi cắt hậu môn) vì nếu còn nó cũng gây ra mùi hôi nồng khó chịu. Bên cạnh đó, bạn nhớ lột bỏ phần lưỡi bẩn bên trong mỏ vịt nha. Sau đó, mổ bụng để lấy ruột và làm sạch bên trong rồi rửa sạch với nước.
- Các bước trên đã xong, tiếp theo là khử mùi tanh của vịt. Dùng muối hột chà xát khắp bề mặt thịt, cả trong lẫn ngoài nhiều lần rồi rửa sạch. Sau đó, lấy gừng cắt lát chà tiếp lên thịt vịt y như đã làm với muối, để khoảng 1 phút và rửa lại lần nữa. Nếu bạn muốn đảm bảo vịt không còn một chút mùi tanh nào thì có thể dùng rượu, giấm gạo để rửa vịt nha, đảm bảo sẽ đánh bay hết mùi hôi luôn.
Cách làm vịt kho gừng cho bữa cơm gia đình!
3. Cách luộc vịt ngon, hấp dẫn
Sau khi đã hoàn tất hết các công đoạn làm sạch vịt, bạn bắt tay vào tiến hành luộc vịt. Đây là một bước quan trọng để thịt vịt được ngon, thơm, mềm chắc.
- Những nguyên liệu cần có khi luộc thịt vịt gồm: vịt đã làm sạch, 1 củ gừng tươi đập dập (hoặc 1 củ gừng nướng), 1 củ hành khô nướng, 1 nhánh sả đập dập.
- Bắt nồi nước lên bếp và đợi đến khi sôi hẳn cho con vịt vào (không nên cho vịt vào khi nước chưa sôi lăn tăn hoặc nước còn lạnh). Sau đó, cho gừng, sả đập dập, củ hành khô nướng vào luộc chung vì đây chính là những nguyên liệu giúp cho thịt cũng như nồi nước dùng được thơm hơn.
- Không nên đun lửa to mà chỉ nên dùng lửa vừa đến khi sôi thì hạ nhỏ lại. Sau khi luộc khoảng 15 phút, dùng đũa xiên thử xem thịt đã chín chưa và còn màu đỏ không. Nếu chưa thì tiếp tục luộc thêm 10 phút nữa để thịt chín hẳn nha.
- Khi thịt đã chín, nếu chưa ăn ngay, bạn có thể để vịt trong nồi đến khi ăn thì vớt ra. Còn muốn ăn nguội thì có thể lấy thịt ra, cho vào tô nước đá và vớt ra liền, như vậy da vịt sẽ giòn ngon hơn, phần thịt bên trong cũng chắc hơn.
- Cuối cùng chỉ cần chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, bày ra dĩa, ăn kèm rau sống, chén nước mắm gừng bên cạnh và thưởng thức.
Chúc bạn thành công với cách luộc vịt mềm dai, không lo bị tanh nha!
Cách pha nước mắm gừng cực ngon!
Có thể bạn quan tâm:
- 7 điều cần biết trước khi ăn trứng vịt lộn
- Bí quyết hầm gà, vịt cực ngon
- Cách nhận biết thịt gà, vịt và heo bị bơm nước và thuốc an thần