Trước đây, cơm nắm muối vừng là món ăn quen thuộc, tiện lợi trong những chuyến đi xa, những buổi làm đồng của người nông dân.
Làm cơm nắm không có quá nhiều công đoạn, nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mẩn. Để làm món ngon này, trước hết cần chuẩn bị muối vừng, lạc rang chín bỏ vỏ, giã dập hoặc nhuyễn tùy sở thích. Vừng làm sạch, rang thơm để nguội. Sau đó, trộn vừng, lạc chế biến với nhau thêm muối, đường sao cho vừa khẩu vị.
Gạo để nấu cơm cần chọn loại gạo dẻo. Khi nấu, cho lượng nước nhiều hơn so với nấu cơm bình thường để tránh cơm khô, khi nắm cơm khó kết dính. Cơm phải nắm lúc còn nóng thì những hạt cơm mới quyện dính với nhau nhưng phải nhìn rõ từng hạt cơm trong trong, bóng mịn đẹp mắt, không bị vỡ nát. Trước khi nắm, dùng khăn mặt ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn kỹ nắm cơm cho thật nhuyễn đến khi hạt cơm không còn nguyên vẹn và dính quyện vào nhau thành một khối. Dụng cụ để nắm cơm là một mảnh vải trắng thun có độ co giãn hoặc lá chuối mang về, cắt thành những miếng vuông, phơi nắng hoặc hơ qua lửa, lau sạch rồi nắm cơm.
Ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy hơn, giữa vô vàn món ăn mới và hiện đại thì có lẽ chính cái mộc mạc, chân quê khiến người ta không quên đi món ăn dân dã này, cơm nắm muối vừng vẫn được nhiều người yêu thích. Là món ăn được lựa chọn cho bữa sáng thanh nhẹ hay bữa lót dạ lúc chiều về, vừa tốt cho sức khỏe, vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Dù những lát cơm nóng được bao bọc trong lớp nilon và giấy, làm giảm đi phần nào hương vị thanh mát dân dã của món ăn nhưng cũng chẳng vì thế mà kém hấp dẫn người thưởng thức. Nhất là vào những ngày mùa thu tiết trời se lạnh, vị thanh mát của miếng cơm, vị đậm đà, bùi bùi của muối vừng hòa quyện với nhau làm nên bản âm hưởng của làng quê.
Nhớ những ngày trẻ thơ, khi mùa lúa chín, ai nấy ra đồng đều làm cơm nắm, mọi người chia nhau từng miếng cơm, từng chút muối vừng, chia nhau từng chút tình người, thấm bao nhọc nhằn, gian khó mà thơm bùi, ngọt lành.