Cá Trắm Cỏ là loài cá nước ngọt vô cùng phổ biến ở nước ta và đặc biệt là các tỉnh khu vực đồng bằng phía bắc. Cá Trắm Cỏ là một trong những loại cá mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, lại dễ chế biến, được nhiều người ưa chuộng và lựa chọn làm thực phẩm bồi bổ cho người thân trong gia đình. Để hiểu rỏ hơn về cá Trắm Cỏ, mời các bạn theo dõi trong bài viết dưới đây nhé.
Đặc điểm sinh học
Nguồn gốc phân loại
Cá trắm cỏ (danh pháp hai phần: Ctenopharyngodon idella) là một loài cá thuộc họ Cá chép (Cyprinidae), loài duy nhất của chi Ctenopharyngodon. Cá lớn có thể dài tới 1,5 mét, nặng 45 kg và sống tới 21 năm và được phân loại như sau:
- Bộ cá Chép: Cypriniformes
- Họ cá Chép: Cyprinidae
- Phân họ cá Trắm: Leuciscinae
- Giống cá Trắm Cỏ: Ctenopharyngodon
- Loài Trắm Cỏ: Ctenopharyngodon idellus (Cuvier & Valenciennes, 1844).
Đặc điểm sinh lý tiêu hóa của cá Trắm Cỏ
1. Cấu tạo bộ máy tiêu hoá của cá
Bộ máy tiêu hoá của cá Trắm Cỏ gồm 4 phần: phần đầu, phần ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Cá Trắm Cỏ là loài ăn thực vật nên không có răng hàm, tầng sừng ở miệng rất phát triển. Răng hầu dẹp bên và có dạng hình lược gồm hai hàng theo công thức răng: 2.5 - 4.2 hoặc 2.4 - 4.2 hoặc 2.3 - 5.2. Răng hầu làm nhiệm vụ nghiền thức ăn trước khi đưa xuống ruột, (Nguyễn Văn Hảo và Ngô Sỹ Vân, 2001).
Ruột trước gồm thực quản và một đoạn ruột bắt đầu từ cuối ống thực quản kéo đến cửa ống dẫn mật. Thực quản của cá Trắm Cỏ ngắn, có thành dày. Cấu tạo thành thực quản gồm 3 lớp: trong cùng là lớp màng nhầy (mucous), giữa là lớp cơ, ngoài cùng là lớp màng quánh (Serous) cấu tạo bởi mô liên kết. Trong lớp màng nhầy có chứa các mầm vị giác có tác dụng nhận mùi vị thức ăn và cảm nhận môi trường. Thực quản có nhiệm vụ là đẩy thức ăn xuống ruột. Ruột giữa là đoạn ruột từ sau van hạ vị đến đầu đoạn ruột sau. Ruột sau gồm kết tràng và lỗ hậu môn. Ruột cá Trắm Cỏ tương đối dài, có kích thước bằng 1,9 - 2,5 lần chiều dài thân, có cấu tạo giống với thực quản cũng gồm 3 lớp: lớp màng nhầy, lớp cơ và lớp màng quánh. Lớp màng nhầy có nhiều nếp gấp ngang, dọc làm tăng diện tích bề mặt hấp thu thức ăn. (Nguyễn Văn Hảo và Ngô Sỹ Vân, 2001).
2. Cấu tạo tuyến tiêu hoá
Ở cá nói chung và cá Trắm Cỏ nói riêng có 2 tuyến tiêu hoá chính đó là tuyến gan và tuyến tụy:
- Tuyến gan có màu vàng tươi hoặc vàng sẫm. Gan phân thuỳ bám vào thành ruột. Gan tiết ra dịch mật chứa trong túi mật. Túi mật có một ống nhỏ đổ vào ruột non (ruột giữa). Dịch mật có tính axid (pH = 5,4), kích thích enzym lipaza hoạt động mạnh đồng thời kích thích sự hoạt động của ruột.
- Tuyến tụy có dạng phân tán thành nhiều ống nhỏ bám trên thành ruột. Chủ yếu là ở trong và ngoài gan do đó thường gọi là gan tụy. Các ống nhỏ của tụy tập chung vào ống lớn, ống này nằm sát với ống mật và đổ vào ruột non qua 1 lỗ sát với ống mật. Tuyến tụy tiết ra các enzym tiêu hoá như: amylaza, proteaza, lipaza, maltaza…
3. Một số men chính trong hệ tiêu hoá của cá Trắm Cỏ
Men tiêu hoá protein: nhóm men phân giải protein chính gồm có pepsine, trypsine và chymotripsin. Tuy nhiên ở cá trắm cỏ không có men pepsine, protein được tiêu hoá bởi men trypsine và chymotripsine. Trypsine là men phân giải các protein hỗn hợp, men này do tuyến tụy tiết ra. Tiền thân của nó là trypsinogene được hoạt hoá bởi enterokinazase của ruột. Đối với cá trắm cỏ thì trypsine là men chủ yếu phân giải protein. Trypsine ở đoạn ruột trước nhiều hơn đoạn ruột sau.
Men tiêu hoá lipid: lipaza được tìm thấy ở tụy, manh tràng và ruột trước. Lipaza phân giải triglyceride thành glycerol và các axid béo. Các yếu tố kích thích hoạt lực của lipaza bao gồm Ca2 +, peptidase và quan trọng nhất là các muối mật, những muối này có tác dụng như một chất tẩy gia làm tăng diện tích tiếp xúc của những chất béo, từ đó làm tăng gia lực lipaza.
Men tiêu hoá carbohydrate: carbohydrate gồm nhiều thành phần khác nhau nhưng đối với cá Trắm Cỏ thì tinh bột, dextrin và cellulose là được sử dụng phổ biến. Tinh bột được tiêu hoá bởi men amylase tạo thành dextrin, maltose và glucose. Dextrin tiếp tục được thuỷ phân bởi amylopectin tạo thành maltose và glucose. Sau khi được tiêu hoá, các đường đơn như: glucose, fructose, galactose, maltose… được hấp thu qua thành ống tiêu hoá vào máu và vận chuyển đến gan. Tỉ lệ tinh bột sử dụng tối đa trong thức ăn cho cá Trắm cỏ từ 37 - 67% (Guillaume et al., 2001).
Cá Trắm Cỏ là loài ăn thực vật, do vậy lượng cellulose đưa vào cơ thể là rất lớn. Ở đa số các loài cá không có hệ thống men phân giải cellulose hoặc hoạt tính enzym celluloase trong đường tiêu hoá hoạt động rất yếu. Cellulose được tiêu hoá chủ yếu do hệ vi khuẩn đường ruột.
4. Quá trình tiêu hoá thức ăn ở cá Trắm Cỏ
Quá trình tiêu hoá thức ăn được chia ra làm 2 giai đoạn: tiêu hoá cơ học và tiêu hoá hoá học:
- Quá trình tiêu hoá cơ học: bắt đầu từ lúc thức ăn được đưa vào trong khoang miệng. Thức ăn của cá Trắm cỏ chủ yếu là các loại thực vật, sau khi thức ăn đưa vào miệng thức ăn được nhào trộn và nghiền nhỏ bởi răng hầu có dạng hình lược. Tiếp sau đó thức ăn được đẩy xuống ruột qua thực quản và bắt đầu quá trình tiêu hoá hoá học.
- Quá trình tiêu hoá hoá học: khi thức ăn tới phần ruột trước sẽ kích thích ruột tiết ra men tiêu hoá và tiêu hoá một phần thức ăn. Quá trình tiêu hoá hoá học diễn ra chủ yếu ở ruột giữa (ruột non), tại đây thức ăn tiếp tục được tiêu hoá bởi các dịch từ tuyến gan và tụy qua ống dẫn đổ vào ruột. Thức ăn của cá Trắm cỏ thường có hàm lượng cellulose rất lớn nhưng hệ thống phân giải cellulose rất kém. Cellulose được tiêu hoá bởi các vi sinh vật đường ruột và các vi sinh vật bám sẵn trên thức ăn ăn vào. Chất dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột vào máu và đi nuôi cơ thể. Chất cặn bã thừa được hấp thụ triệt để tại ruột sau rồi thải ra ngoài qua lỗ hậu môn.
Môi trường sống của cá Trắm Cỏ
Cá trắm cỏ là loài cá sinh sống ở trong môi trường nước ngọt. Chúng sống chủ yếu ở các khu vực ao, hồ và các con sông lớn. Độ sâu thích hợp của chúng là khoảng 0 - 30m, đây là khu vực tầng nước giữa và thấp - nơi môi trường nước sạch và rất trong.
Cá trắm cỏ được biết đến là dòng cá phổ biến của khu vực châu Á. Chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc, chúng sống chủ yếu ở khu vực sông Hắc Long Giang của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, cá trắm cỏ sinh sống cả ở môi trường tự nhiên và nuôi trồng. Cá trắm cỏ thường xuất hiện nhiều ở khu vực sông Hồng.
Đặc điểm dinh dưỡng của cá Trắm Cỏ
Sau khi nở 3 ngày (chiều dài thân khoảng 7 mm), cá Trắm cỏ ăn luân trùng, ấu trùng côn trùng và tảo. Khi cá chiều dài thân đạt 2 - 3 cm, chúng bắt đầu ăn một ít mầm non thực vật, tỉ lệ luân trùng trong khẩu phần ăn của chúng giảm dần nhưng loài giáp xác phù du vẫn chiếm chủ yếu. Cá dài 3 - 10 cm có thể nghiền nát thực vật thượng đẳng và chuyển sang ăn thực vật thuỷ sinh non, thực vật bậc cao, nhất là cỏ. Thức ăn chính của cá chủ yếu là thực vật thượng đẳng như các loại rong mái chèo, rong đuôi chó, rong tôm, bèo tấm, bèo hoa dâu và các loại rau cỏ trên cạn. Ngoài ra, cá Trắm Cỏ còn ăn cả các loại lá như: lá tre, lá sắn, lá chuối… Sức tiêu thụ của cá rất lớn 22,1 - 27,8% khối lượng cá trong ngày. Trung bình cứ 40 kg thực vật tươi sẽ cho tăng trọng 1 kg cá.
Cá Trắm Cỏ nuôi trong ao ngoài ăn cỏ chúng còn được cung cấp thức ăn tinh như cám gạo, ngô, sắn… Chúng cũng sử dụng tốt thức ăn nhân tạo, nhưng nếu sử dụng nhiều tinh bột trong khẩu phần thì cá sẽ bị béo và chậm lớn. Nhìn chung, cá tương đối phàm ăn và tính lựa chọn thức ăn không cao (Trần Thị Thanh Hiền, 2009).
Đặc điểm sinh trưởng
Cá Trắm Cỏ có kích cỡ lớn, nặng nhất đạt tới 35 - 40 kg, cỡ thương phẩm trung bình là 3 - 5 kg/con. So với các loài cá khác có cùng kích thước thì trong điều kiện tối ưu, cá Trắm Cỏ sinh trưởng nhanh hơn. Cá nuôi trong ao sau 1 năm đầu đạt 1 kg và các năm sau đó đạt 2 - 3 kg ở vùng ôn đới, hay 4 - 5 kg ở vùng nhiệt đới.
Đặc điểm sinh sản
Cá trắm cỏ trong điều kiện tự nhiên sinh sản theo hình thức bán di cư. Loài cá trắm cỏ là loài đẻ trứng. Khi đến mùa sinh sản, chúng thường di cư lên khu vực đầu nguồn của các con sông để đẻ trứng.
Khu vực đầu nguồn là khu vực nước chảy mạnh, có sự thay đổi về môi trường nước. Đây là điều kiện thích hợp để kích thích cá đẻ trứng. Trứng của cá trắm cỏ thường có trọng lượng nặng hơn trọng lượng nước, chính vì vậy chúng bị trôi nổi ở tầng nước giữa. Nếu như trứng chìm xuống phần đáy tức là trứng đã bị hỏng.
Trong môi trường nuôi nhốt: cá trắm cỏ thường không thể sinh sản tự nhiên. Mặc dù chúng có hệ sinh dục phát triển bình thường. Nhưng để đẻ được chúng cần được tiêm hormone sinh dục và con người phải tăng cường tạo ra áp lực và những chuyển động mạnh của dòng nước.
Cá trắm cỏ thường sinh sản khi chúng bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành, tức là cá được 4 - 5 năm tuổi.
Đặc điểm sinh hóa thịt cá Trắm Cỏ
Thành phần hoá học của thịt cá Trắm Cỏ tính theo phần trăm khối lượng tươi gồm có 74% nước, 17,4% protein, 5,8% lipid, 1,5% khoáng, 1,3% còn lại là vitamin, các muối khoáng và một số chất khác (Weerd et al.,1993).
Kỹ thuật nuôi cá Trắm Cỏ
Nuôi ao
1. Tẩy dọn ao
Tát hoặc tháo cạn, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ, đăng cống, vét bùn nếu lượng bùn quá nhiều. Bón vôi khắp đáy ao để diệt cá tạp và các mầm bệnh bằng cách rải đều từ 7 - 10 kg vôi bột cho 100 m2 đáy ao.
Sau tẩy vôi 3 ngày, bón lót bằng cách rải đều khắp ao từ 20 - 30 kg phân chuồng và 50 kg lá xanh cho 100 m2 (loại lá cây thân mềm để làm phân xanh). Lá xanh được băm nhỏ rải đều khắp đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 - 7 kg dìm ở góc ao.
Lấy nước vào ao ngập từ 0,3 - 0,4 m, ngâm 5 - 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1 - 1,5 m. Cần phải lọc nước vào ao bằng đăng hoặc lưới đề phòng cá dữ, cá tạp xâm nhập.
Cá trắm cỏ sống ở tầng nước giữa, thức ăn chính là cây xanh như cỏ thân mềm, rau, bèo dâu, bèo tấm, lá chuối, lá sắn, cây chuối non băm nhỏ, rong, thân cây ngô non , cá trắm cỏ cũng ăn các loại bột ngô, khoai, sắn, cám gạo. Cá nuôi sau 10 - 12 tháng đạt trọng lượng từ 0,8 - 1,5 kg/con (trung bình 1 kg mỗi con).
2. Thả cá giống
Có 2 thời kỳ thả cá giống:
- Vụ xuân từ tháng 2 đến tháng 3;
- Vụ thu từ tháng 8 đến tháng 9.
Cần thả cá giống lớn, khoẻ mạnh, không sây xát, không có bệnh. Mật độ thả từ 1 - 2 con/m2. Cỡ cá thả 8 - 10 cm .
3. Quản lý - chăm sóc ao
Thức ăn:
- Thức ăn xanh gồm : các loại cỏ, rong, bèo tấm, bèo dâu, lá chuối, lá sắn nên cho cá ăn đủ hàng ngày. Sau khi cá ăn cần vớt bỏ các cọng cỏ, cây, lá già cá không ăn được. Cho cá ăn thêm cám gạo, cám ngô… Cứ 100 con cho ăn từ 2 đến 3 kg thức ăn xanh, sau tăng dần theo sự lớn lên của cá bằng cách theo dõi hằng ngày.
- Muốn tăng trọng 1kg thịt cá trắm cỏ cần từ 30 - 40kg thức ăn xanh như: rong, cỏ, bèo…
- Với cỏ tươi cho ăn 30 - 40% trọng lượng thân; với rong, bèo cho ăn 70% trọng lượng thân.
Quản lý ao nuôi:
- Theo dõi thường xuyên bờ ao, cống thoát nước, xem mực nước ao vào các buổi sáng.
- Vào sáng sớm theo dõi xem cá có bị nổi đầu vì ngạt thở không, cá có nổi đầu kéo dài không. Nếu có, tạm dừng cho ăn và thêm nước vào ao.
- Khi thấy cá bị bệnh hoặc chết rải rác cần hỏi cán bộ kỹ thuật hoặc khuyến ngư để biết cách xử lý.
4. Thu hoạch
Sau 5 - 6 tháng nuôi có thể đánh tỉa số cá lớn để ăn hoặc bán và thả bù cá giống để tăng năng suất nuôi. Phải ghi lại số lượng cá đã thu và thả lại sau mỗi lần đánh tỉa (ghi cả số con và số kg cá).
Cuối năm thu toàn bộ cá (có thể chọn những cá nhỏ giữ lại làm giống cho vụ nuôi sau). Sau khi thu hoạch toàn bộ phải ghi lại sản lượng cá thu được (bao gồm cả cá đánh tỉa và cá thu cuối năm) nhằm sơ bộ hạch toán trong quá trình nuôi để có cơ sở cho đầu tư tiếp ở vụ nuôi sau.
Nuôi trong lồng bè trên sông
Lồng có dạng hình khối chữ nhật hoặc mùng, kích thước dài x rộng x cao: Kích thước phổ biến hiện nay là: 3m x 2m x 1,7m hoặc 4m x 3m x 1,7m
Lồng làm bằng tre hóp cả cây, gỗ hoặc nhựa composite. Hai đầu để khe hở từ 0,5 - 1 cm để nước lưu thông dễ dàng, hai mặt bên và đáy thường bằng ván gỗ khít không để lọt thức ăn.
- Do nuôi ở sông nên tốc độ dòng chảy 0,2 - 0,3 m/giây. Đặt mỗi cụm 20 lồng, các cụm cách nhau 150 - 200 m.
- Nuôi ở hồ chứa nước lưu thông 0,1 - 0,2 m/giây. Nuôi cụm 15 lồng, các cụm đặt cách nhau 200 - 300 m.
Trước khi thả cá giống vào nuôi, lồng bè phải được cải tạo, vệ sinh. Đối với lồng bè phải cọ rửa sạch, phơi khô và dùng nước vôi hoặc Clorua vôi phun đều toàn bộ lồng nuôi cá. Sau đó phơi khô 1 - 2 ngày, cọ rửa sạch và hạ thuỷ. Lồng đặt ngặp nước 1,2 - 1,5 m, cách đáy 3 - 4 m.
1. Tiêu chuẩn cá giống, mật độ nuôi
Tiêu chuẩn cá giống:
- Ngoại hình cân đối, không dị hình, vây, vẩy hoàn chỉnh, cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn.
- Không có dấu hiệu bệnh lý.
- Kích cỡ cá 8-10cm.
Mật độ nuôi: Nuôi trong lồng bè 70 - 80 con/m3 . Cá có trọng lượng lớn hơn thì 30 - 50 con/m3.
Trước khi thả cá xuống ao, cá giống được khử trùng bằng ngâm tắm trong nước muối 3% từ 10 - 15 phút.
Thời vụ nuôi: ở miền Bắc bắt đầu từ tháng 4.
2. Thức ăn và chế độ cho ăn
Thức ăn xanh: cỏ, rong, bèo, lá ngô, sắn….Với cỏ tươi cho ăn 30-40% trọng lượng thân; với rong, bèo cho ăn 70% trọng lượng thân.
3. Chăm sóc cá nuôi
Thường xuyên kiểm tra hoạt động của cá, nếu thấy cá bơi lội khác thường phải vớt lên kiểm tra.
Nếu nổi đầu do thiếu ôxy phải kéo lồng ra xa khu vực môi trường ô nhiễm. Có thể tăng cường khuấy sục khí làm tăng lượng ôxy hòa tan.
Kiểm tra sàn ăn để xác định khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh thức ăn, cứ 3 ngày vệ sinh lồng cá 1 lần và kiểm tra lồng.
4. Phòng trị bệnh cho cá nuôi
Một số bệnh: Nấm thuỷ mi, trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán lá đơn chủ. Mỗi loại bệnh có triệu chứng và bệnh lý riêng, cần thường xuyên theo dõi biểu hiện của cá để phòng trị.
Để chủ động phòng ngừa bệnh cho cá nuôi, trong quá trình nuôi nên tiến hành dùng vôi để cải tạo môi trường.
- Đối với vôi: Đựng trong bao treo ở đầu nguồn nước, cách mặt nước khỏang 1/2 độ sâu của nước trong lồng. Liều lượng 3 - 4kg vôi cho 10m3 nước trong lồng.
- Sulphat đồng (CuSO4) phòng ký sinh đơn bào, liều lượng 50g/10m3 nước, tuần 2 lần.
Không dùng thuốc, hoá chất kháng sinh đã cấm sử dụng.
Các bệnh thường gặp ở cá Trắm Cỏ
Bệnh đốm đỏ
Đây là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và cũng gây thiệt hại nặng nề nhất cho ngành chăn nuôi cá trắm cỏ.
Khi cá mới bị nhiễm bệnh thì dấu hiệu nhận biết là lượng thức ăn còn nhiều. Cá bỏ ăn bơi lờ đờ trên mặt nước. Và nhìn kỹ thì sẽ có những vết loét đỏ trên thân cá, vảy cá rụng nhiều.
Khi bị nặng hơn thì vây cá bị cụt dần, chảy máu. Các vết lở loét xuất hiện ngày càng nhiều và ăn sâu vào cơ thể. Cá bắt đầu có mùi hôi, các nấm và ký sinh trùng gây bệnh cũng xuất hiện khiến bụng trương phình, mắt chuyển sang màu đục ngầu.
Bệnh này rất dễ lây lan ảnh hưởng đến toàn bộ cá trong hồ. Nên việc phòng chống bệnh này rất cần được quan tâm.
Loại bỏ những con cá bị bệnh mất khả năng ăn uống. Và phải dùng thuốc KN-04-12 do viện nghiên cứu môi trường thủy sản cung cấp để phòng ngừa loại bệnh này.
Bệnh xuất huyết
Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm chưa có thuốc chữa trị nên công tác phòng bệnh phải được lưu ý ngay từ khi bắt đầu nuôi.
Bệnh này do vi rút gây ra làm cá chết nhưng toàn thân vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng nếu quan sát thường xuyên sẽ thấy những con cá này trước khi chết thường bỏ ăn, không còn linh hoạt nữa. Trong bóng tối thân cá ửng đỏ do lớp vảy dưới da bị xuất huyết.
Nếu có nhiều cá bị bệnh này thì tốt nhất là thu hoạch đem đi bán. Nếu cá còn nhỏ thì loại bỏ làm sạch ao để nuôi đợt mới.
Bệnh trùng mỏ neo
Trùng mỏ neo là loài ký sinh trùng, cá trắm nào có chúng ký sinh thì không những bị hút hết chất dinh dưỡng mà còn xuất hiện các vết viêm loét trên da. Chính điều này khiến đề kháng của cá giảm. Tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.
Dấu hiệu của bệnh này là cá có nốt đỏ, viêm loét và chảy máu trên thân. Trọng lượng cá không bình thường, cá gầy nhưng đầu lại to. Màu sắc da cũng bị biến đổi và tốc độ bơi giảm sút.
Bệnh này có thể phòng và trị bằng cách dùng lá xoan tươi đập dập thành từng bó cho xuống ao có cá bị bệnh trùng mỏ neo.
Khi đang chữa bệnh thấy cá có hiện tượng nổi đầu là do lá xoan phân hủy làm giảm lượng ô-xi trong nước. Không những vậy mà còn giúp động vật phù du phát triển nhanh hơn còn trùng bánh xe thì giảm đáng kể.
Nguồn: baokhuyennong.com