Hiện nay, tại Trung Quốc, không khó để bắt gặp một người trong độ tuổi 20-30 mặc quần jeans phối với một chiếc áo dài, áo choàng lụa, đôi khi có cả nón đen.
Họ không phải những người yêu thích cosplay hay diễn viên bước ra từ các bộ phim cổ trang của Trung Quốc. Họ đơn thuần là những người yêu thích trang phục cổ xưa và cảm thấy việc mặc chúng khiến họ tự hào.
Nhiều người trẻ mặc trang phục như thế mỗi ngày. Không chỉ thế, các cô gái còn trang điểm, làm tóc giống như thời xưa.
Tại Trung Quốc, trào lưu này được gọi là Hanfu (Hán phục, một loại trang phục thường thấy trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc).
Theo một báo cáo đăng tải trên Sohu (một trang web nổi tiếng của Trung Quốc), trào lưu này ngày càng lan rộng và ngày càng được yêu thích. 90% người theo xu hướng là nữ, hầu hết ở độ tuổi 21, 22.
Cũng theo trang này, Hanfu xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2000 nhưng đến thời gian gần đây, trào lưu mới thực sự được quan tâm. Hiện tại, người hâm mộ Hanfu trên một diễn đàn ở Trung Quốc lên đến hơn một triệu người.
Con số này không lớn khi so với dân số hơn 1,3 tỷ người của Trung Quốc nhưng trong khoảng thời gian tới, Hanfu có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Bằng chứng ở chỗ các thương hiệu thời trang tại Trung Quốc đã cho ra những thiết kế theo phong cách này.
Trong một bài viết của trang Business of Fashion, đa số người mặc bộ đồ này ra đường đều lấy cảm hứng từ các bộ phim kiếm hiệp hoặc phim xoay quanh đề tài thâm cung nội chiến được phát sóng trên tivi hoặc rạp chiếu phim.
"Hơn cả 'Vũ trụ Marvel', 'Diên Hi Công Lược' là một trong những bộ phim hấp dẫn và ảnh hướng đến giới trẻ Trung Quốc theo đuổi trào lưu này", trang Sohu viết.
Sun Ying (28 tuổi) cho biết cô đã thích được mặc những bộ quần áo giống trên phim kiếm hiệp từ nhỏ. Vì thế, khi biết đến trào lưu này, cô đã có ấn tượng tốt.
Sun làm việc cho một công ty lớn tại Hàng Châu vài năm. Với mức thu nhập cao, cô dễ dàng mua những món đồ hiệu đắt tiền. Tuy nhiên, sau vài năm, cô cảm thấy không hợp cuộc sống ở thành phố lớn, lối sống hiện đại, Tây hóa nên cô đã nghỉ việc về quê và mở một cửa hàng cho riêng mình.
"Và tôi cũng bắt đầu mặc Hanfu từ đó, tôi mặc mỗi ngày. Tôi không thấy hấp dẫn bới các bộ quần áo thay đổi theo xu hướng thời trang. Tôi chỉ muốn mặc những thứ đơn giản nhất", Sun nói.
Mỗi năm, Sun đều dành một khoảng tiền không nhỏ để mua những trang phục xu hướng Hanfu và cả các vật liệu để cô tự may trang phục cho mình. Trung bình đồ theo phong cách này có giá khoảng 45-70 USD.
Eric Fish - tác giả cuốn Thế hệ Millennials của Trung Quốc giải thích hiện tượng này: "Cuộc sống quá khó khăn và khắc nghiệt đối với giới trẻ tại Trung Quốc. Do đó, các văn hóa nhỏ lẻ như Hanfu giúp họ trở lại thời kỳ đơn giản, lãng mạn hóa".
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ cho rằng đây là cách họ đề cao tinh thần dân tộc của mình.
Li Xu - một người yêu thích Hanfu - cho biết anh mặc trang phục cổ trang mỗi ngày dù là đi học, đi mua sắm hay làm bất kể việc gì.
Giống với Li Xu, Gao Zhiluo - một nhiếp ảnh gia ở Lạc Dương, Trung Quốc đã mặc trang phục cổ trang này mỗi ngày từ năm 2014. Cô cho biết bản thân bị cuốn hút vào những trang phục này từ nhỏ, khi cô học một loại nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc.
Mỗi lần trình diễn hoặc chơi nhạc cụ, Gao luôn mặc trang phục cổ truyền vì cô cảm thấy nó đẹp và rất thoải mái. Niềm đam mê đối với Hanfu thôi thúc Gao mỗi ngày. Những khi có hẹn với bạn, cô thường dành một giờ đồng hồ để chọn đồ, trang điểm, chải tóc và chọn giày, túi xách phù hợp.
Gao kể rằng khi ra đường với trang phục đó, nhiều người nhìn chằm chằm vào cô và cho rằng cô hóa trang khi ra đường.
"Tôi không để tâm đến những lời họ nói vì tôi biết rằng mình không làm gì sai hay vi phạm pháp luật. Tôi chỉ buồn vì nhiều người thiếu nhận thức về trang phục truyền thống như thế. Họ không biết rằng đây là trang phục mà tổ tiên đã mặc hàng nghìn năm", Gao cho biết.
nguồn:Sưu tầm.